Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong đó đoàn đã có báo cáo chi tiết về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, qua giám sát thực tiễn và nghiên cứu tổng hợp ý kiến của cử tri, dư luận xã hội, Đoàn giám sát nhận thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được xây dựng bài bản, công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn;
Đã quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn một số bất cập như tiến độ xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra ban đầu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm so với yêu cầu 30 tháng; chương trình các môn học tiếng dân tộc thiểu số, chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, chương trình một số môn ngoại ngữ (ngoài Tiếng Anh) chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ với chương trình tổng thể.
Điều này là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ biên soạn sách giáo khoa và lộ trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13;
Chính phủ đã phải báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn bất cập.
Ban chỉ đạo đổi mới chương trình có sự thay đổi về nhân sự nhiều lần, ảnh hưởng tới tiến độ, hiệu quả trong công tác chỉ đạo xây dựng Chương trình.
Thành phần Ban Phát triển chương trình tổng thể là các nhà khoa học giáo dục, không có thành phần là các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông.
Ban phát triển chương trình các môn học cũng chủ yếu là các nhà khoa học giáo dục, nhà giáo giảng dạy ở các trường đại học sư phạm; chỉ có hai người là giáo viên phổ thông; không có thành phần nhà khoa học, nhà giáo chuyên sâu về nghiên cứu, dạy học ngoại ngữ, quốc phòng an ninh.
Quy định về việc biên soạn, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông còn có nội dung chưa chặt chẽ ; không quy định cụ thể về việc tổ chức tập huấn cho người soạn thảo chương trình;
Không quy định cụ thể về thời gian, phạm vi, đối tượng thực nghiệm và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân tổ chức thực nghiệm chương trình.
Hồ sơ tài liệu liên quan tới quy trình biên soạn, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được cung cấp đầy đủ.
Quy mô, phạm vi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Việc thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Phạm vi thực nghiệm nhỏ, trong 9.732 giờ học/15 môn học/1.165 lớp tại 48 trường phổ thông thuộc 6 địa phương đại diện 6 vùng kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước ; chỉ thực hiện đối với những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, hoạt động giáo dục.
Việc đánh giá tác động của Chương trình mới còn chưa được kỹ lưỡng. Việc lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và của người dân cũng như việc đánh giá tác động về mặt chính sách trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Chương trình còn chưa đầy đủ, chất lượng.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, được thực hiện đồng thời ở các cấp học phổ thông trên quy mô toàn quốc, tác động tới đông đảo đội ngũ giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thể chế, nhân lực, kinh phí chưa kịp thời, thiếu đồng bộ.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn lúng túng ở nhiều cơ sở giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai theo hình thức cuốn chiếu đồng thời ở cả ba cấp học, nên trong giai đoạn đầu, một bộ phận học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 ở cấp học dưới sẽ học tiếp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp học trên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giáo dục, bổ sung kiến thức một số môn học cho học sinh lớp 5 và lớp 9 (theo Chương trình 2006) để có thể học Chương trình lớp 6, lớp 10 (theo Chương trình 2018).
Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả dẫn tới chậm trễ trong xây dựng và hoàn thiện chương trình.