Hàng thập kỷ quản lý yếu kém và bất ổn đã khiến nền kinh tế Pakistan gặp khó khăn, và mới đây, Islamabad buộc phải ký một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Tuy nhiên, tổ chức cho vay toàn cầu yêu cầu nước này cắt giảm các khoản trợ cấp phổ biến nhằm giảm chi phí sinh hoạt. IMF hy vọng sẽ chấm dứt chu kỳ cứu trợ đã tồn tại ở nước này trong nhiều thập kỷ. Nhưng hành động này ngay lập tức đã khiến giá điện và giá xăng tăng vọt.
Hàng nghìn cửa hàng đã đồng loạt đóng cửa ở Lahore, Karachi và Peshawar, đồng thời căng biểu ngữ phản đối việc “gia tăng vô lý các hóa đơn tiền điện và thuế”.
“Mọi người đều tham gia vì tình hình hiện tại đã trở nên không thể chịu nổi”, ông Ajmal Hashmi, chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Thị trấn Lahore, cho hay. “Cần phải đưa ra một số biện pháp cứu trợ để các thương nhân có thể tiếp tục làm ăn”.
Các thương nhân nắm giữ quyền lực to lớn ở Pakistan, và chính phủ đang phải đối mặt với tình trạng khó xử khi vừa phải làm hài lòng người dân trong khi vẫn tuân thủ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-Haq Kakar cho biết người dân sẽ phải trả các hóa đơn cao hơn vì đất nước không có “lựa chọn thứ hai”.
“Các khoản trợ cấp đồng nghĩa với việc chúng ta đang chuyển nghĩa vụ tài chính của mình sang tương lai. Thay vì giải quyết vấn đề, cách làm này chỉ đang trì hoãn nó”, ông nói.
Chính phủ đã tăng giá xăng vượt ngưỡng 300 rupee (1 USD)/lít lần đầu tiên trong tuần này. Tỷ giá hối đoái của đồng rupee so với đồng đô la Mỹ cũng đang ở mức thấp nhất trong 76 năm.
Trong khi đó, dữ liệu mới cho thấy lạm phát hàng năm trong tháng 8 ở mức 27,4%, với hóa đơn nhiên liệu tăng 8% trong tháng 7.
Chính phủ tạm quyền đã được bổ nhiệm ở Pakistan kể từ khi quốc hội bị giải tán vào tháng trước. Hiện ngày tổ chức tổng tuyển cử vẫn chưa được công bố.
Quốc Thiên (theo AFP, CNA)