Dệt may Thành Công (TCM) dự định phát hành 10,65 triệu cổ phiếu thưởng
Bất chấp tình hình kinh doanh khó khăn, dự kiến lượng đơn hàng thiếu hụt trong các tháng cuối năm nhưng Dệt may Thành Công (Mã TCM) vẫn đang dự định phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Cụ thể thì TCM đang dự định phát hành 10,65 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương với tỷ lệ phát hành 13%. Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 13 cổ phiếu mới phát hành.
Các cổ phiếu phát hành thêm có mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị của lần phát hành này sẽ là 106,5 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển ghi nhận trên BCTC của công ty tại ngày 31/12/2022. Vốn điều lệ của TCM sau khi phát hành cổ phiếu thưởng sẽ tăng lên mức 927 tỷ đồng.
Vào ngày 30/3/2023, Dệt may Thành Công cũng từng thông báo về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền. Trong đó cổ đông công ty được tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 7%. Tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức là 700 đồng.
Kinh doanh 2 quý liền sụt giảm, quý 2 lãi giảm tới 95,8%
Sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh của Dệt may Thành Công thể hiện rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm 2023. Cụ thể thì trong quý 1, TCM đạt doanh thu 876,4 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 55 tỷ đồng, giảm 25,4%.
Bước quý 2, tình trạng kinh doanh của TCM tiếp tục giảm sút, doanh thu chỉ còn 714,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm tới 95,8% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.590,9 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận gộp đạt 230,8 tỷ. Chi phí tài chính trong kỳ tăng nhẹ lên 57,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chi phí lãi vay lại tăng gần gấp đôi, lên 20,1 tỷ cho thấy áp lực vay nợ đang gia tăng trong cơ cấu tài sản của TCM.
Lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp chỉ đạt 57,3 tỷ đồng, giảm tới 55,5% so với kỳ 6 tháng đầu năm 2022.
Thiếu hụt đơn hàng quý 2, dự báo khó khăn quý 3
Tình trạng kinh doanh của Dệt may Thành Công đã được dự báo từ tháng 5 khi công ty công bố kết quả kinh doanh giảm tới 25% so với cùng kỳ. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng đã diễn ra ngay trong quý 2 và công ty cũng mới chỉ nhận được 77% kế hoạch đơn hàng cho quý 3. Điều này dự báo một kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa cho công ty.
Tại thời điểm kết thúc quý 2, tổng tài sản của TCM đạt 3.348,7 tỷ đồng. Trong đó công ty đang nắm giữ một lượng lớn tiền mặt và tiền gửi. Tiền mặt nắm giữ đạt 303,9 tỷ đồng trong khi tiền gửi ngân hàng chiếm 307,6 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 1.225,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn hiện đang chiếm tới 805,7 tỷ đồng. Nợ dài hạn của công ty đã giảm từ 140,1 tỷ xuống còn 90,9 tỷ đồng. Tổng nguồn nợ phải trả của TCM là 1.415,1 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu đang chiếm 1.933,6 tỷ đồng.
Trong vốn chủ sở hữu, đáng chú ý đó là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ chiếm 612,2 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó quỹ đầu tư phát triển cũng đang chiếm tỷ trọng lớn tới 399,5 tỷ đồng.