ANTD.VN – Tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng hồi phục trở lại trong tháng 6, trong khi tiền gửi các tổ chức kinh tế cũng bất ngờ tăng mạnh sau 5 tháng giảm trước đó.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023. Theo đó, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng hơn 429.000 tỷ đồng).
Như vậy, so với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng, đánh dấu tháng tăng liên tiếp thứ 8 liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái. Con số tiền gửi dân cư cũng cải thiện khá nhiều so với mức tăng 14.700 tỷ đồng của tháng 5 so với tháng 4, dù vẫn thấp hơn những tháng đầu năm.
Trước đó, tiền gửi dân cư đã tăng 177.300 tỷ đồng trong tháng 1; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; tăng 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng tốc trở lại trong tháng 6 |
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng bất ngờ tăng trở lại trong tháng 6 với 235.438 tỷ đồng được gửi thêm vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, tiền gửi các tổ chức tín dụng đã giảm 5 tháng liên tiếp.
Lũy kế đến tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,51% so với cuối năm ngoái. Trong khi trước đó, đến hết tháng 5 tiền gửi các tổ chức kinh tế thậm chí đã giảm 3,45% so với cuối 2022.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng tốc trở lại trong bối cảnh lãi suất xuống rất thấp dường như là một diễn biến lạ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn của nhiều người dân.
Bởi trên thực tế, gửi tiền vào ngân hàng là giải pháp gần như an toàn tuyệt đối và dù sao vẫn sinh lời, nhất là so với các kênh đầu tư gần như bị đóng băng thời gian gần đây là bất động sản, vàng, tiền ảo…
Đối với các doanh nghiệp việc đình trệ sản xuất, kinh doanh kéo dài cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền được đưa trở lại hệ thống ngân hàng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn cũng đồng thời kéo theo nhu cầu tín dụng suy giảm, tiền bị “ứ đọng” tại các ngân hàng dẫn đến lãi suất huy động tiếp tục đi xuống với những đợt giảm mạnh gần đây.
Theo đó, tại 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện chỉ còn 5,8%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, người dân chỉ còn được hưởng lãi suất quanh mức 4 – 5%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất huy động 7%/năm ngày càng trở nên hiếm hoi và thường phải yêu cầu số tiền gửi lớn, thời gian gửi dài.
Như vậy so với tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,5 – 1% tùy từng ngân hàng và kỳ hạn, còn so với hồi đầu năm đã giảm 3 – 4%/năm.