Lựa chọn xây dựng cho mình một lối hành xử “tôn trọng người khác” trong “ngôi nhà của mình”; lựa chọn việc lan tỏa tri thức, hiểu biết của mình về thế giới, mong muốn nhân lên sự tử tế trong cuộc đời, nhà báo Trương Anh Ngọc – Thông tấn xã Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận xung quanh việc sử dụng mạng xã hội văn minh để góp phần tạo dựng một không gian mạng văn minh, văn hóa…
Không có cách nào xử lý triệt để những tác động tiêu cực của thế giới ảo
+ Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài những lợi ích không thể phủ nhận thì mạng xã hội hiện còn tồn tại nhiều hành vi lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa, ví dụ như thái độ vô cảm, thiếu tính nhân văn, xâm phạm đời sống riêng tư, buông lời ác ý, dùng từ ngữ sát thương tới người khác… Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
– Từ cách đây 15-16 năm, thời của yahoo 360, nhiều người tham gia mạng xã hội cũng từng sốc vì cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận người dùng. Và bản thân tôi đã từng viết về câu chuyện “hãy đối xử văn minh trên mạng”.
Nay trở lại vấn đề này, dù câu chuyện thực ra không hề mới, nhưng nó luôn có tính thời sự bởi vì bây giờ số người sử dụng mạng xã hội (MXH) ngày càng nhiều, đặc biệt là những người trẻ. Họ sử dụng và chính họ là đối tượng chịu tác động lớn. Tôi từng viết trên Facebook cá nhân rằng, nếu sử dụng Facebook thấy buồn, thì chắc chắn là chúng ta đã dùng sai nó rồi.
Trên thực tế, chúng ta đang phải buồn quá nhiều về câu chuyện mạng xã hội. Trước đây khi chúng ta không biết người khác phản hồi như thế nào, chúng ta chỉ thường nói trong các nhóm nhỏ, có thể là bạn bè, có thể ra quán nước, có thể là trên các trang báo bằng việc gửi thư… cũng phải mất tuần sau mới đến.
Nhưng bây giờ chúng ta biết ngay phản ứng của xã hội với 1 ý kiến, 1 bài báo, 1 câu chuyện chúng ta đưa ra, dù đúng hay sai. Vì vậy, tác động tiêu cực của luồng thông tin sai, của những FakeNews lại càng lớn.
Đáng nói là, dường như đang không có bất cứ cách nào để xử lý triệt để những mặt trái, những tác động tiêu cực của thế giới ảo tới đời sống thực. Mạng xã hội gồm Facebook (FB), Twitter, Instagram với sức lan tỏa thông tin khủng khiếp, như một quả bom có thể phát nổ bất cứ khi nào. Chính vì vậy, tình trạng bị “bạo lực bằng ngôn từ” là câu chuyện hoàn toàn phổ biến khi sử dụng MXH bây giờ. Và tôi có cảm giác rằng, bộ lọc duy nhất liên quan đến MXH đấy chính là lương tâm, trình độ dân trí, khả năng hiểu biết về một vấn đề, về 1 hiện tượng… của người sử dụng.
+ Tức là chúng ta đang bị động khi tiếp nhận tin tức trên mạng xã hội, thưa ông?
– Chúng ta hoàn toàn bị động khi tiếp nhận thông tin trên không gian này. Mà nói đúng hơn là sự bị động đấy là điều chúng ta chủ động đón nhận. Bây giờ chúng ta đi ra ngoài đường, ở đâu, bất cứ lúc nào… đều không thiếu hình ảnh những người dán mắt vào màn hình điện thoại. Họ cảm thấy chiếc điện thoại là nguồn cung cấp thông tin, để hóng, để bắt trend và nó tốn thời gian rất nhiều.
Tôi cảm thấy FB trở thành 1 gánh nặng tâm lý đối với rất nhiều người mà bản thân họ không nhận ra được điều đó. Và cũng bởi vậy, những chi phối của mạng xã hội với mỗi người là rất lớn. Chúng ta càng sử dụng nhiều mạng xã hội, càng kết nối, càng theo dõi nhiều người, càng theo dõi nhiều câu chuyện hơn thì chúng ta bị tác động bởi những câu chuyện ấy nhiều hơn thông qua lăng kính của những người khác.
Facbook của tôi có thể gọi là Facebook hạnh phúc
+ Ông nhắc đến “lăng kính của người khác”, đặc biệt là lăng kính của người có uy tín, có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội là rất quan trọng. Là một nhà báo, là người có lượng follow lớn trên mạng xã hội, ông lựa chọn cách hành xử như thế nào trong việc sử dụng mạng xã hội?
– Tôi có đọc ở đâu đó một nghiên cứu rằng, nếu mình mở đầu một buổi sáng bằng việc đọc được 7-8 tin rất tích cực thì mình sẽ cảm thấy rất vui vẻ, ngược lại nếu là tin tiêu cực, thì mình sẽ cảm thấy mở đầu 1 ngày rất chán và mình sẽ tụt cảm xúc ngay. Khi bạn mong chờ điều gì, nó sẽ đến với bạn ngay tức khắc. Vì vậy, chúng ta phải là những người cung cấp các luồng thông tin tích cực trên MXH để rồi chúng ta nhận lại chính sự tích cực đấy…
Tôi cho rằng, với người làm truyền thông, cần phải biết đưa cái gì lên mạng xã hội, bởi rất có thể những gì chúng ta quan tâm đưa lên sẽ tạo ra trend, có thể định hướng dư luận theo một xu hướng nào đó. Nhìn rõ trách nhiệm ấy, tôi xây dựng FB của mình như một cửa sổ nhìn ra thế giới. FB của tôi chia sẻ rất nhiều câu chuyện rằng, chúng ta đi ra thế giới như thế nào, với tâm thế ra sao? Hay là câu chuyện chúng ta hãy đi khi còn trẻ… Trên FB của tôi có 1 album mang tên “Tình yêu thay đổi tất cả” với những câu chuyện về sự tử tế, nhân ái, cái chết…
Khi xác định được “ngôi nhà” của mình có những gì thì tôi phải làm sao để lan tỏa các câu chuyện đó gần gũi hơn, bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất… để người ta ngẩng mặt lên nhìn thế giới, chứ không cúi xuống phán xét đối với người khác nữa. Và trong 1-2 năm nay, FB của tôi cũng có thêm nhiều màu sắc về tự sự, về con người, về tình yêu thương… FB của tôi có thể gọi là FB hạnh phúc cũng được, vì tôi luôn mong muốn mọi người vào đây có sự chia sẻ về tinh thần, về cuộc sống, về những điều thú vị trên trái đất này… với một niềm vui đón đợi, một sự tử tế hơn.
+Và nếu như mỗi ngày, tri thức dẫn đường, những điều tốt đẹp, sự tử tế định hướng thì câu chuyện ứng xử văn minh trên mạng… sẽ ngày một tốt hơn, dần làm chủ không gian này, thưa ông?
– Câu chuyện văn minh trên MXH xuất phát từ chính những người sử dụng MXH. Có 02 yếu tố: Ta viết cái gì trên nhà của chúng ta và ta ứng xử như thế nào với những người khách của chúng ta. Thứ 2 là ta đến nhà người khác và ta hành xử như thế nào. Ở đây câu chuyện hoàn toàn bình đẳng thôi. Ta muốn người khác đối xử với ta như thế nào thì ta phải đối xử với người ta như thế. Ở góc độ nào đó, đây chính là câu chuyện về sự tôn trọng. Tôi nghĩ rằng, các cuộc cãi lộn, bút chiến trên MXH kéo dài ngày này qua ngày khác mà chúng ta chứng kiến cũng là bởi vì họ không tôn trọng nhau. Hoặc người ta dùng các biện pháp phản biện không đúng cách khiến mình bị thiếu tôn trọng.
Hành xử trên MXH và ngoài đời không khác nhau là mấy. Sở dĩ những cuộc tranh luận, lời lẽ công kích rồi ném đá giấu tay diễn ra bởi vì họ dùng nick ảo, họ không chịu trách nhiệm trước những gì họ làm và họ chưa thực sự bị trừng phạt thích đáng… Tất nhiên, không phải vì sợ bị ném đá mà không dám lên tiếng phản biện.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh văn minh, những người làm báo chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc trước những vấn đề xã hội, mang tính thời đại…
+ Góp tiếng nói của mình vào các vấn đề xã hội, cụ thể là như thế nào, thưa ông?
– Ở nước ngoài, ở các nước phát triển, những người làm báo, người có ảnh hưởng trong xã hội khi tham gia mạng xã hội đều rất nỗ lực tạo ra các cái cuộc chiến chống “lệch chuẩn”, góp tiếng nói chống chiến tranh, chống đói nghèo, chống biến đổi khí hậu… Họ tham gia hoạt động xã hội rất nhiều, không chỉ nói mà còn có các hoạt động mang tính nhân đạo nữa.
Mặc dù ở Việt Nam chúng ta chưa đạt được tầm đấy, nhưng tôi nghĩ, xã hội đang ngày một trở nên văn minh hơn thì bản thân những người sử dụng MXH mà quan trọng là những người làm báo, những người nổi tiếng sẽ không chỉ cần văn minh hơn ở trên “nhà” của họ, mà họ phải tiến xa hơn, có ý thức hơn trước những vấn đề xảy ra xung quanh, đóng góp tiếng nói của mình với trách nhiệm xã hội cao nhất…
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, người sử dụng MXH tích cực cần tích cực hơn để thông qua tiếng nói của mình, giúp cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, môi trường mạng lành mạnh, văn hóa, tư duy của người dùng mạng sẽ vì thế cũng được nâng cao hơn nữa.
+Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)