Gần 40 năm cải cách từ năm 1986, chúng ta có nhiều giai đoạn, thời điểm và cách thức đổi mới. Bắt đầu xuất hiện các cuộc cải cách là năm 1986, 1989, 1999, 2009, 2019, tổng kết khoảng 35 năm cải cách. Trong dòng thay đổi đó, so với trước đây chúng ta có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, thời điểm này dù khó khăn nhưng có nhiều thuận lợi. So với 10 năm trước, hiện nay quy mô kinh tế của Việt Nam lớn hơn, nguồn lực cũng lớn, cơ hội thực sự cũng nhiều hơn. So với thời kỳ chúng ta bị bao vây cấm vận, chưa mở cửa, bây giờ chúng ta dù bên ngoài có ảm đạm nhưng vẫn có thị trường nội địa.
Đội ngũ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân vào năm 1999, chúng ta mới có được 30.000 doanh nghiệp nhỏ tồn tại. Hiện nay chúng ta có khoảng 900.000 doanh nghiệp, gấp hơn 30 lần so với trước và rất nhiều doanh nghiệp đã thành tập đoàn kinh tế tư nhân. Trước kia, đầu tư nước ngoài (FDI) gần như chưa có nhưng giờ chúng ta thu hút được (giai đoạn từ năm 1986 – 2022, Việt Nam đã thu hút được khoảng 438 tỉ USD vốn FDI, trong đó 274 tỉ USD đã được giải ngân). Phải nói rằng, lực lượng hiện nay, nguồn lực hiện nay lớn hơn nhiều so với trước, do đó không có lý gì chúng ta không vượt qua được khó khăn.
Trong thách thức đó, chúng ta cần phải quan tâm hàng đầu tới cải cách thể chế. Thể chế ở đây là hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính… Tất cả đang là rào cản khiến chúng ta bị kìm hãm năng lực sản xuất kinh doanh, sự sáng tạo, đổi mới và kể cả là sự thiếu minh bạch dẫn tới tham ô, tham nhũng. Có một hệ thống pháp luật chuẩn chỉnh, ta sẽ có sự tiến bộ, công bằng, bình đẳng; có được thủ tục hành chính đơn giản, gọn gàng sẽ có được đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo; có được bộ máy hành chính tinh gọn, chất lượng, hoạt động vì dân thì sẽ có được xã hội trật tự, ổn định, hiệu quả.
Chúng ta muốn hùng cường phải có thể chế kinh tế thực sự mang tính thị trường, thể chế chính trị ổn định, hiệu quả, chất lượng… Phải có lãnh đạo, cán bộ có năng lực dám làm, dám nghĩ, dám đột phá, chịu trách nhiệm. Đặc biệt xây dựng một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thật năng động, sáng tạo để vượt qua những khủng hoảng, khi vượt qua tình hình này sẽ phục hồi rất nhanh.
Thời gian vừa qua, ở một số lĩnh vực chúng ta can thiệp hành chính quá mức dẫn tới phi thị trường, hậu quả chính sách đó làm thị trường khủng hoảng, hỗn loạn. Muốn có thị trường thực sự, hãy để cho thị trường giải quyết các vấn đề của nó; không nên can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục quyết liệt cắt bỏ thủ tục đầu tư kinh doanh không cần thiết hoặc quá cứng nhắc như giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Những thứ như vậy tạo ra một ma trận về thủ tục muốn giằng xé nhau và cái này doanh nghiệp hiện nay vẫn đang kiệt quệ nhất. Nếu không xử lý được thì chúng ta vẫn cứ mắc vì không đầu tư tạo ra tài sản hay năng lực sản xuất có ích.
Hay trong điều hành, chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm về phối hợp của các bộ, ngành, làm sao có trách nhiệm. Không thể để tình trạng thiếu vắc xin thì địa phương kêu khó, bộ nọ lại đá sang bộ kia… Trong giai đoạn khó khăn hay bình thường cũng thế, đừng thanh tra, kiểm tra quá mức làm khó doanh nghiệp.
Có rất nhiều giải pháp trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải khôi phục lại niềm tin và làm sao để thị trường vận hành tốt, doanh nghiệp hoạt động bình thường. Quan trọng nhất là hãy để thị trường làm, hai là có can thiệp gì cũng theo nguyên tắc nhà nước để cho thị trường làm tốt hơn, chứ không làm thay thị trường, không can ngăn thị trường, không can thiệp hành chính quá mức vào thị trường.
Chúng ta muốn hùng cường phải có thể chế kinh tế thực sự mang tính thị trường, thể chế chính trị ổn định, hiệu quả, chất lượng… Phải có lãnh đạo, cán bộ có năng lực dám làm, dám nghĩ, dám đột phá, chịu trách nhiệm. Đặc biệt xây dựng một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thật năng động, sáng tạo để vượt qua những khủng hoảng, khi vượt qua tình hình này sẽ phục hồi rất nhanh. Đồng thời nền kinh tế cũng không bị đứt gãy, và các đội ngũ doanh nghiệp năng động sáng tạo thì qua đây họ cũng bứt phá lên, phục hồi nhanh. Cần thiết phải làm như thế.
Có rất nhiều việc cần làm trong bối cảnh này nếu như chúng ta thực sự vì dân, đánh giá đúng thực tiễn, căn cứ vào thực tiễn, mà thực tiễn này phải là thực tiễn thật chứ không phải là thực tiễn của số liệu. Dựa vào thực tiễn thì chúng ta không bị lạc quan quá đà và người lãnh đạo phải truyền thông điệp là chúng ta có những thành công nhưng cũng đang rất khó khăn, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn từ người lãnh đạo cho đến người nông dân, công nhân, trí thức.
Chúng ta hãy vươn lên để tốt hơn, để có thể vươn tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.