Gia đình tôi đi du lịch trong dịp nghỉ lễ, tránh ăn gì để hạn chế ngộ độc botulinum? (Nguyễn Phương, TP HCM)
Trả lời:
Vi khuẩn clostridium botulinum phát triển trong môi trường thiếu oxy sinh ra độc tố botulinum. Trong điều kiện khắc nghiệt, clostridium botulinum có thể biến thành dạng nha bào chắc chắn, tồn tại lâu.
Clostridium botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong thực phẩm, đất vườn, phân động vật, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc. Loại vi khuẩn này phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày.
Ngộ độc botulinum từ thực phẩm khá phổ biến, xảy ra khi một người ăn trúng thực phẩm nhiễm bào tử clostridium botulinum. Khi thực phẩm lưu trữ không đúng cách, vi khuẩn có thể phát triển, giải phóng độc tố vào thức ăn.
Khi đi chơi, nếu ăn phải thức ăn không được bảo quản tốt, gia đình bạn có thể bị ngộ độc botulinum. Nguồn gây bệnh thường gặp là các loại đồ hộp có độ axit thấp như đậu, thịt hộp, cá hộp, pate chay… Mật ong bị nhiễm bào tử clostridium botulinum cũng là nguyên nhân gây bệnh trong một số trường hợp. Đây là một trong những lý do Hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên cho trẻ ít nhất một tuổi ăn mật ong.
Vi khuẩn clostridium botulinum không phát triển trong thực phẩm có tính axit. Tuy nhiên, nếu chúng đã bị nhiễm độc tố từ trước thì cũng không an toàn.
Gia đình bạn cũng có thể nhiễm độc botulinum qua vết thương trầy xước. Đây là tình trạng hiếm gặp, khi bào tử clostridium botulinum xâm nhập vào vết thương hở, phát triển và giải phóng chất độc vào máu. Một vài trường hợp, độc tố phát triển sau phẫu thuật hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Để phòng tránh ngộ độc botulinum khi đi chơi xa, gia đình cần chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng được các cơ quan chức năng công nhận. Bạn nên thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi, màu thay đổi hoặc có vị khác thường. Tránh hộp đựng thức ăn có dấu hiệu hư hoặc phồng lên vì có thể là dấu hiệu vi khuẩn tạo ra.
Ưu tiên thức ăn mới chế biến, nấu chín, vứt bỏ thực phẩm bảo quản có mùi hôi. Nhiệt độ cao phá hủy độc tố botulinum nếu chúng có trong thực phẩm. Cần xử trí tốt các vết thương ngoài da để tránh nhiễm botulinum qua các tổn thương này.
Ngộ độc botulinum là bệnh nặng, triệu chứng có thể bao gồm sụp mí mắt, dấu hiệu bất thường liên quan đến cơ mặt, mắt, cổ họng. Vi khuẩn tạo ra độc tố tấn công hệ thần kinh còn gây yếu và tê liệt các cơ. Nếu không được điều trị, ngộ độc botulinum có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |