Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có. Trong lĩnh vực quyền con người, bên cạnh luồng thông tin tích cực là chủ đạo, vẫn còn không ít những đánh giá sai sự thật, thiếu khách quan, định kiến về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. |
Các thế lực thù địch, cơ hội, phản động triệt để lợi dụng những vấn đề còn tồn tại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm; hạ thấp thành tựu phát triển đất nước, phủ nhận sự thay đổi tích cực của đời sống nhân dân; vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người nhằm bôi xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước tình hình đó, công tác thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng cần được đẩy mạnh để giải quyết hiệu quả những thách thức hiện nay.
Đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài
Ngày 11/10/2022, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77, Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là sự khẳng định cho những thành tựu trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, là sự thừa nhận, tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào uy tín và những cam kết của Việt Nam.
Việc tích cực thông tin đến thế giới các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; quan điểm, lập trường của Việt Nam về những vấn đề khu vực và quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới đến với đông đảo bạn bè quốc tế cũng chính là tạo nên một bức tranh tổng thể về đất nước Việt Nam mà ở đó, con người giữ vị trí trung tâm.
Trong 10 năm triển khai Chiến lược về công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, cùng với những thành công chung, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cũng đã cho thấy những dấu ấn trên các lĩnh vực như chỉ đạo, định hướng trong các thông tin liên quan tới quyền con người; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, định hướng, triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại về quyền con người; phương thức thông tin đối ngoại đa dạng, phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc biệt là có liên quan đến những vấn đề nóng, phức tạp thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước; tham gia tích cực của các nguồn sự lực bên ngoài vào công tác thông tin đối ngoại về quyền con người; công tác dự báo được quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cũng đang bộc lộ một số vấn đề, cũng như dự báo phải đối diện với không ít thách thức trong giai đoạn tới.
Một là, nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bộ phận những người làm công tác thông tin đối ngoại về quyền con người chưa đáp ứng yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Hiện vẫn còn tồn tại nhận thức coi quyền con người là vấn đề nhạy cảm nên chỉ chú trọng công tác đấu tranh, phản bác, tức yêu cầu “chống”, mà chưa thực sự đề cao công tác chủ động thông tin, xây dựng lòng tin, tạo các luồng thông tin thuận cho ta, tức yêu cầu về “xây”.
Hai là, công tác thông tin các vấn đề liên quan đến quyền con người còn chậm, bị động trước thông tin của báo chí nước ngoài. Ví dụ điển hình là trước việc một số nhà hoạt động xã hội, môi trường bị xử lý pháp luật liên quan đến các tội danh trốn thuế, công tác thông tin thường đi sau những luận điệu xuyên tạc, vu cáo đến từ các tổ chức, truyền thông quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại khi đó sẽ đi vào trọng tâm là đấu tranh, phản bác, và thực tế không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thuận lợi hóa giải những luồng thông tin tiêu cực, nhất là khi nó được lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp trên môi trường không gian mạng.
Ba là, các sản phẩm thông tin đối ngoại về thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam vẫn còn thiếu về cả số lượng lẫn các sách đa ngữ; chưa tận dụng tốt việc ứng dụng sách điện tử trong thông tin, tuyên truyền. Việc số hoá hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền con người ở Việt Nam hiện còn phân tán, chưa thống nhất nên chưa tạo được nguồn cơ sở cho các hoạt động thông tin.
Bốn là, các tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực, những yếu tố an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, thiên tai, sự lớn mạnh và chi phối của truyền thông Internet-mạng xã hội) cũng tác động trực tiếp, đặt ra những khó khăn cho công tác đảm bảo quyền con người nói chung và công tác thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng.
Cuối cùng và đáng lo ngại nhất là nhiều năm qua, quyền con người là lĩnh vực Việt Nam luôn chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, bao gồm các thế lực thù địch, phản động, cho đến các quốc gia, tổ chức quốc tế và các cá nhân.
Mỹ là quốc gia công bố Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế hằng năm, và mặc dù gần đây đã đưa nhiều nội dung tích cực hơn về tình hình tôn giáo Việt Nam, nhưng vẫn còn những nhận định thiếu khách quan, định kiến.
Cụ thể trong Báo cáo năm 2022, cho rằng Chính phủ kìm hãm tự do tôn giáo vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia và hòa hợp xã hội hay chính quyền địa phương gây khó khăn đối việc đăng ký hoạt động tôn giáo, can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tôn giáo, đàn áp, sách nhiễu nhóm tôn giáo thiểu số, bắt giữ tùy tiện thành viên các nhóm tôn giáo…
EU cũng thường xuyên bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền, tự do báo chí của Việt Nam. Mới đây nhất, trong “Thông cáo báo chí” của đoàn Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU có nội dung “quan ngại sâu sắc tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ; lo ngại tình trạng lao động cưỡng bức và luật pháp hạn chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế về nhân quyền (HRW, CIVIVUS, CPJ, AI…) , truyền thông quốc tế, chủ yếu là các tờ báo Việt ngữ (BBC, VOA, RFA…) luôn có những tuyên bố, tin bài xuyên tạc, vu cáo Việt Nam trong vấn đề nhân quyền; bày tỏ ủng hộ các đối tượng vi phạm pháp luật tại Việt Nam; công kích quan điểm, tiếng nói của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế và khu vực, điển hình là liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Những đánh giá, dư luận thiếu tích cực nêu trên phần nào tạo ra nhận thức sai lệch của quần chúng nhân dân trong nước, phương hại đến ổn định chính trị, an ninh tư tưởng quốc gia, cũng như gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhận diện về nguyên nhân, có thể xuất phát từ: (i) âm mưu chống phá, can thiệp lật đổ; (ii) định kiến về Việt Nam, không chấp nhận việc tiếp cận thông tin từ các kênh chính thống; (iii) hạn chế trong việc tiếp cận thông tin từ các kênh chính thống; (iv) nhu cầu xử lý nội bộ, đặc điểm chính trị của quốc gia.
Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền dành cho cán bộ của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 11/8/2022. |
Giành thế chủ động trên mặt trận thông tin đối ngoại
Là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người và là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các cam kết của mình; đồng thời chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quyền con người và đã đạt được rất nhiều những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước cũng như hiện thực hoá quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia một cách tích cực, thực hiện nghiêm túc, cầu thị và cởi mở các cam kết quốc tế về quyền con người.
Trong giai đoạn tới, nhất là từ nay đến năm 2025, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, cần làm tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin. Thông tin, chủ động làm rõ các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, hoạt động xử lý đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia…; trong đó, kịp thời định hướng dư luận thông tin chính thống và xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; lập luận chặt chẽ phản bác thông tin xuyên tạc vụ việc. Các cơ quan chức năng có hướng dẫn lưu ý cụ thế tới các cơ quan, đơn vị, báo chí trong thông tin về những vụ việc “nóng”, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia.
Hai là, nêu cao tinh thần chủ động tấn công, xây dựng và thực hiện Đề án tuyên truyền thành tựu của Việt Nam về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền; các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Ba là, phát huy đầy đủ vai trò của các cơ quan, đơn vị chuyên trách công tác nhân quyền trong triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Cụ thể, các bộ, ngành, đơn vị liên quan tích cực tham gia chuẩn bị nội dung được phân công về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet, xây dựng và duy trì chế độ báo cáo cung cấp thông tin phục vụ bảo vệ báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, các phiên đối thoại nhân quyền, các diễn đàn, hội nghị quốc tế.
Từ đó, tranh thủ, vận động các nước, các tổ chức quốc tế có ý kiến cân bằng, tích cực hơn về Việt Nam và có thiện chí ghi nhận những nguyên tắc lớn, tôn trọng thể chế chính trị của ta.
Công tác thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng cần được đẩy mạnh để giải quyết hiệu quả những thách thức hiện nay. |
Bốn là, tiếp tục đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Nâng tỉ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu số hoá về quyền con người ở Việt Nam.
Đẩy mạnh khai thác các tài khoản, kênh thông tin trên mạng xã hội, hướng về giới trẻ; liên kết và tranh thủ sức ảnh hưởng của những người có uy tín trong xã hội và quốc tế. Về địa bàn thông tin, chú trọng các nước, khu vực có đông người Việt Nam sinh sống; các nước nằm trong ưu tiên phát triển quan hệ đối ngoại với Việt Nam và các nước là trụ sở của các cơ quan quyền con người quốc tế.
Năm là, chú trọng tập huấn, nâng cao kiến thức về quyền con người và kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ các cấp. Báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, là lực lượng đi đầu trong thông tin đối ngoại về quyền con người nhưng cũng có thể vi phạm quyền con người do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi phạm bí mật đời tư, thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái…
Nâng cao tính chủ động trong tuyên truyền, thông tin đối ngoại, giành ưu thế trên mặt trận truyền thông. Nghiên cứu, xác định liều lượng, thời gian, thời điểm thông tin, tuyên truyền phù hợp, ví dụ như tập trung vào các thời điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia, xử lý các vấn đề về quyền con người hoặc văn bản quốc tế về quyền con người; thời điểm một số quốc gia, tổ chức quốc tế về quyền con người nghiên cứu xây dựng các báo cáo liên quan đến quyền con người; thời điểm xét xử các đối tượng được quốc tế “quan tâm”, tạo dựng luồng thông tin chính thống, tích cực chiếm vị trí chủ đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức mới về quyền con người trong thời kỳ mới. Đó là thời kỳ đẩy mạnh mọi hoạt động đối nội và đối ngoại nhằm hiện thực hoá khát vọng xây đựng đất nước Việt Nam phát triển, hùng cường. Trong đó “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Đó là tầm nhìn, là định hướng phát triển của đất nước ta, cũng là sự khẳng định cho việc theo đuổi các mục tiêu của quyền con người. Chính vì vậy, công tác thông tin đối ngoại cần phải giữ vững vai trò “tiên phong”, giữ vững mục tiêu mà Đảng đã đề ra, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quyền con người, thu hút, mở rộng hơn nữa mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam.
* Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.