Để phát huy hiệu quả canh tác, nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tập trung xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội.
Hà Nội nỗ lực nâng cao thương hiệu gạo. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Hiệu quả kinh tế cao
Sau hơn 5 năm Hà Nội triển khai sản xuất lúa Japonica, đến nay chương trình đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, vượt mục tiêu đề ra.
Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, trong năm 2022, đơn vị đã triển khai xây dựng được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa, cùng 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa – cá tại 19 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn TP (với tổng diện tích 1.117ha, Vụ Xuân 704,5ha, vụ Mùa 412,5 ha).
Trong đó, 60 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, 5ha lúa thảo dược, 12ha lúa – cá, 300ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 740ha sản xuất lúa an toàn. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao cao hơn so với lúa Khang dân 18 từ 10,3 – 15 triệu đồng/ha/vụ.
Đáng chú ý, hiện diện tích lúa Japonica của thành phố đã tăng gấp 2,55 lần so với năm 2018 (năm 2018 là 3.651ha, năm 2022 là hơn 10.000ha). Kết quả phát triển sản xuất lúa Japonica nói riêng và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung, đã góp phần đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2022 đạt trên 60%.
Tại huyện Ứng Hòa, có 8.350ha trồng lúa, trong đó có hơn 5.660ha cấy giống lúa chất lượng cao, như: Nếp cái hoa vàng, lúa thơm, lúa giống Nhật J02. Với mục đích nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm gạo, huyện đã xây dựng nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.
Vùng lúa hàng hóa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). (Nguồn: KInh tế Đô thị) |
Chị Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa chia sẻ, HTX với mục tiêu hướng tới xuất khẩu, từ lâu HTX cũng đã ứng dụng công nghệ cao từ việc đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng JO2 đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch lúa. Với diện tích trên 310 ha, hiện HTX cũng đang liên kết bao tiêu sản phẩm gạo JO2 cho người nông dân Ứng Hòa và các huyện lân cận và xây dựng thương hiệu Gạo Khu Cháy.
Còn theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ cho hay, được Thành phố quy hoạch là vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Cùng với việc khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, huyện Chương Mỹ đã mở rộng phát triển sản xuất lúa hữu cơ giống Jamonica của Nhật tại xã Đồng Phú với diện tích 47 ha.
“Sản xuất thân thiện với môi trường, chất lượng gạo thơm ngon đạt chứng nhận của Mỹ và Nhật nên giá trị hạt gạo hữu cơ Đồng Phú cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa theo phương pháp truyền thống. Toàn bộ diện tích lúa hữu cơ của Đồng Phú được ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định giúp bà con trong thời hạn 5 năm”, bà Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ.
Gạo Hà Nội đến tay người Mỹ, Nhật, Australia
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích khoảng 40.000ha; mỗi vùng có diện tích từ 50ha trở lên, có những vùng lên tới hơn 300ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, qua triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, một số giống đã cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15% đến 20% so với các giống lúa thông thường.
Đặc biệt, giống lúa Japonica đã được xuất khẩu sang một số nước, như: Mỹ, Nhật Bản, Australia… Việc đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người nông dân, mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế…
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt. Vì vậy, để phát triển sản xuất được bền vững, nên ngay từ đầu vụ, Trung tâm đã kết nối các doanh nghiệp (DN) vào ký kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời triển khai chỉ đạo các HTX xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Kết quả đã có 5 DN vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, gồm: Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư và phát triển nghiệp Bắc Hải, Công ty Long Vũ, Công ty Khang Long, Công ty Mỹ Loan.
Sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). (Ảnh: Lâm Nguyễn/Kinh tế Đô thị) |
Bên cạnh công tác phát triển sản xuất, Trung tâm đặc biệt chú trọng đến xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng giá trị và khẳng định thương hiệu gạo chất lượng cao của Hà Nội. Theo đó, trong năm 2022, Trung tâm đã xây dựng thành công chuỗi sản phẩm “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” cho HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).
Thời gian tới, để có thể nâng cao thương hiệu gạo Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, cơ cấu giống lúa chất lượng cao của toàn thành phố phải đạt trên 80% diện tích gieo cấy. Do đó, Hà Nội phấn đấu duy trì, phát triển 200 vùng trồng lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo, Hà Nội sẽ xây dựng, hình thành từ 3 đến 5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu gạo.
Ông Tạ Văn Tường thông tin, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
“Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi cho những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn nói chung và vùng chuyên canh lúa nói riêng; tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên thị trường”, ông Tường khẳng định.