Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2015, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ về giải pháp tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) đến từng khối phố, thôn, bản.
Tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số Make in Việt Nam, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp toàn quốc.
Ngày 5/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại địa phương. Sau hơn 1 năm, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên.
Trong đó, 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi tổ có khoảng 4-9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.
Nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ là tuyên truyền để người dân biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Mua sắm trực tuyến, Thanh toán trực tuyến, Tự bảo vệ mình trên không gian mạng, Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù địa phương.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ TT&TT mới đây, với sự hỗ trợ của mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân như VneID, nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, khám hcuwax bệnh từ xa…
Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương tới địa phương, mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
“Trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông trước đây và chuyển đổi số hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Đây là một kết quả đặc biệt đột phá” – Báo cáo của Bộ TT&TT nhận xét.
Một số địa phương đã triển khai các hoạt động của Tổ CNSCĐ nổi bật như tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Phước.
Tỉnh Quảng Ninh có những địa phương có cách làm sáng tạo để khuyến khích, động viên Tổ CNSCĐ. Đơn cử, huyện Vân Đồn tặng mỗi Tổ CNSCĐ một máy điện thoại di động thông minh có gắn sẵn sim đã được kích hoạt; huyện Tiên Yên tổ chức trưng bày gian hàng tuyên truyền, giới thiệu các nội dung thực hiện chuyển đổi số tại các Lễ hội Mùa Vàng, Lễ hội dân tộc Sán Dìu, Lễ hội dân tộc Dao.
Ngoài ra, vào tối thứ 7 hàng tuần tại phố đi bộ, huyện còn tổ chức tuyên truyền tới người dân về thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt (mobile money), hướng dẫn cài đặt sử dụng sổ bảo hiểm xã hội số (VssID), sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng định danh điện tử VNEID.
Tại tỉnh Bình Thuận, tổ CNSCĐ đã tuyên truyền cho người dân biết sử dụng các nền tảng số như nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh; thanh toán trực tuyến; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Nhiều hộ kinh doanh được tập huấn kiến thức về thương mại điện tử để mwor tài khoản thanh toán điện tử sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn… nâng cao hiệu quả bán hàng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tại tỉnh Bình Phước, Tổ CNSCĐ của thành phố Đồng Xoài phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn được tiếp cận và trải nghiệm các hình thức, chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ để xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Linh An Trang