“Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”.
Hôm thứ Hai vừa rồi, Trung Quốc đã công bố bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp bao phủ khoảng 90% diện tích Biển Đông.
Philippines hôm thứ Năm kêu gọi Trung Quốc “hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình” theo luật pháp quốc tế và phán quyết trọng tài năm 2016 tuyên bố đường đứt đoạn này không có căn cứ pháp lý.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc… là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”.
Malaysia nói họ đã gửi công hàm ngoại giao phản đối về bản đồ này và cho biết trong một tuyên bố rằng bản đồ mới của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý.
Bản đồ này khác với phiên bản hẹp hơn do Trung Quốc đệ trình và bị bác bỏ bởi Liên hợp quốc vào năm 2009 về Biển Đông, trong đó có cái gọi là “đường 9 đoạn”. Bản đồ mới của Trung Quốc có đường 10 đoạn.
Ấn Độ vào hôm thứ Ba vừa rồi cũng cho biết, họ đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc về bản đồ mới này, khi đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ.
Huy Hoàng (theo TTXVN, Reuters)