Tôi thường dậy lúc 6h30 để đọc email hay tin nhắn.Tôi luôn bố trí gặp học sinh quốc tế mỗi tuần nhưng chính những cuộc gặp nhanh ở hành lang với các em lại cởi mở nhất. Nếu không gặp được các em, tôi sẽ gọi điện và trao đổi.
Đó là những chia sẻ của thầy Simo Veistola – Hiệu trưởng trường TH Forssa (Phần Lan). Thầy gây chú ý với hành động cảm kích – được nhóm phụ huynh học sinh Việt Nam ở Phần Lan chia sẻ trên mạng xã hội – tự lái xe hơn 100km ra sân bay đón 1 du học sinh đến muộn vì bị chậm visa.
Học sinh luôn có tôi khi các em cần
Hình ảnh xúc động về thầy được phụ huynh, du học sinh Việt Nam tại Phần Lan chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Được chụp từ phía sau lưng, tấm ảnh ghi lại cảnh thầy đang đẩy hành lý cho học sinh. Được biết, thầy đã tự lái xe hơn 100km, tới sân bay Helsinki để đón một du học sinh, dù điều này không bắt buộc với một hiệu trưởng?
Thầy Simo Veistola: Do nhận được visa chậm so với các bạn, nên em học sinh này sang Phần Lan muộn và phải đi một mình.
Mọi thứ đều mới với em: Một lục địa mới, một đất nước mới, một ngôn ngữ mới. Vì vậy, tôi thực sự chỉ yên tâm nếu tự mình đi đón em và chở em về ký túc xá, nơi các bạn đang chờ đợi. Chúng tôi đã nói chuyện rất vui và rất nhiều trên đường về.
Vài tiếng lái xe trên đường, thầy trò cùng nói chuyện cũng là cách rất tốt để em ấy thấy ấm áp hơn, còn tôi làm quen và hiểu hơn học sinh của mình.
Hình ảnh hiệu trưởng đẩy hành lý cho du học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội
Nhưng với hơn 400 học sinh trong trường, thật khó có thể quan tâm tới từng em như vậy. Thời gian của thầy ở trường được phân bổ thế nào, để mỗi học sinh luôn cảm nhận được sự quan tâm từ chính thầy như vậy?
Tôi thường dậy lúc 6h30 và dành thời gian để đọc email hay tin nhắn. Thời gian làm việc của tôi chính thức bắt đầu từ 7h30. Mỗi ngày luôn kín lịch với các cuộc gặp gỡ nên trôi qua thật nhanh. Tôi luôn bố trí gặp học sinh quốc tế mỗi tuần, nhưng chính những cuộc gặp nhanh ở hành lang với các em lại là quan trọng và cởi mở nhất.
Nếu không gặp được các em, tôi sẽ gọi điện và trao đổi về mọi chuyện. Đôi khi các em tự gửi cho tôi những tấm ảnh, khoe với tôi đang làm gì hoặc thảo luận với nhau về kết quả các trận đá bóng.
Nói chung, điều quan trọng nhất là học sinh luôn có tôi khi các em cần, dù gặp gỡ trực tiếp hay qua điện thoại, dù đó là thời gian làm việc hay cả giờ nghỉ.
Hiệu trưởng phải tạo ra niềm tin trong học trò
Có ý kiến cho rằng nếu chúng ta nghiêm khắc hơn sẽ dễ dàng hơn để đưa học trò của mình vào nề nếp?
Trường cấp 3 là nơi mỗi học sinh bắt đầu phải học hành nghiêm túc, để có kiến thức thi vào các trường ĐH. Vì vậy, sự hỗ trợ các em về tất cả mọi mặt là điều cần thiết.
Điều quan trọng nhất với một hiệu trưởng là phải tạo ra niềm tin trong học trò, rằng thầy hiệu trưởng phải thực sự quan tâm, thực sự chăm sóc tới từng người. Thầy phải luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi em trong mọi thời điểm, trong mọi tình huống.
Nhưng thầy hình như chỉ “nghiêm” trong học tập. Đầu năm học vừa qua, khi các học sinh quốc tế vừa nhập học, họ đã định chọn những môn tự nhiên vốn đòi hỏi thấp về trình độ tiếng Phần Lan, nhưng thầy đã khuyến khích họ chọn những môn rất khó, đòi hỏi tiếng Phần Lan cao, như: Triết học, Tâm lý học… Đây là cách thầy “nghiêm khắc”, hay thầy muốn đặt một mục tiêu cao, là cách để mỗi học sinh của mình phải nỗ lực cao độ?
Ngoại ngữ, như tiếng Phần Lan, chỉ thực sự được học khi chúng ta phải sống trọn trong môi trường đó. Tôi muốn các em sẵn sàng sống trong môi trường đó từ những bước đầu tiên.
Học tiếng Phần Lan qua những môn học khác nhau sẽ làm các em hứng thú, mang lại hiệu quả cao. Nếu cũng 6 tiếng/ngày chỉ dành để học ngôn ngữ Phần lại gây nhàm chán và hiệu quả sẽ không cao.
Việc khuyến khích các em học những môn khó ngay từ đầu là phương pháp hiệu quả. Thực tế, điểm thi cuối kỳ của các em đều làm tôi hài lòng.
Học sinh được tham gia Hội đồng tuyển dụng giáo viên
Nhiều người nói rằng nghề giáo viên ở Phần Lan có vị thế xã hội rất cao, như luật sư hay bác sĩ vậy. Điều này có đúng không? Họ được tuyển chọn và đào tạo như thế nào?
Phần Lan đã từng là nước nghèo sau thế chiến thứ 2. Người Phần Lan hiểu giáo dục là con đường duy nhất để xã hội và đất nước phát triển. Sự kính trọng dành cho giáo viên và nghề giáo viên được bắt đầu từ thời điểm đó.
Phần lớn những học sinh giỏi đều mong muốn trở thành giáo viên, điều này cũng đang đúng với hiện tại. Thực sự tôi không hiểu tại sao. Ngay cả con gái của tôi, có khả năng học tất cả các ngành và có rất nhiều sự lựa chọn ngành nghề, nhưng cũng đang quyết định theo con đường sư phạm.
Một giáo viên tuyệt vời không chỉ là người có trình độ chuyên môn cao, phải có cả tình yêu với học sinh. Thật không dễ dàng để có một giáo viên như vậy. Các giáo viên được tuyển dụng thế nào và đâu là tiêu chí ưu tiên của thầy?
– Những giáo viên giỏi chuyên môn chưa đủ, họ phải có tính cách cá nhân tương thích về môi trường sư phạm.
Thầy Simo Veistola (áo sơ mi) cùng giáo viên trong một buổi gặp gỡ các du học sinh
Tất cả các giáo viên đều phải trải qua buổi phỏng vấn của cả một hội đồng, hội đồng này có cả thành viên là đại diện học sinh trong trường.
Năm đầu tiên, thầy đã làm mọi việc có thể để giúp học sinh quốc tế hòa nhập: dẫn học sinh đi ăn kem, uống cà phê, đi chơi để giảm stress sau mỗi kỳ thi. Họ đã bước sang năm thứ 2 và đâu là ưu tiên của thầy dành cho họ?
Năm nay, tôi hỗ trợ cho các em nhiều hơn trong việc tập trung vào những môn quan trọng theo định hướng nghề nghiệp của từng em. Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 để mở cánh cửa vào các trường ĐH rất quan trọng. Kỳ thi này bao gồm 5 môn: tiếng Phần Lan, tiếng Anh, Toán và các môn tự chọn, như Lý-Hóa, hay Sinh-Sử.
Vì vậy, đây là thời điểm để thầy trò tôi bắt đầu cùng cố gắng!
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Sơn Hưng
Vietnamnet.vn