Ở thời điểm hiện tại, chỉ mình Việt Nam còn sầu riêng tươi để bán nên giá xuất khẩu vẫn đang rất tốt. Không chỉ sầu riêng mà giá nhiều loại trái cây khác cũng tăng giá mạnh, giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm nay vượt 1,2 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhiều loại trái cây tiếp tục tăng
Chị Nguyễn Thu Hiền, ở TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk), cho biết năm nay sầu riêngtrúng mùa được giá nên bà con ở địa phương rất phấn khởi. Tuần này, thương lái báo giá sầu riêng Ri6 ổn định, loại tốt từ 55.000 – 58.000 đồng/kg. Hôm qua, giá sầu riêng dona tiếp tục tăng 2.000 – 3.000 đồng lên 92.000 – 96.000 đồng/kg; hàng mua xô cũng từ 75.000 – 85.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước hiện giá tăng hơn 20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá tăng cao không chỉ khiến thương lái tranh mua tranh bán mà còn phát sinh nhiều vấn đề an ninh trật tự. Khoảng một tháng nay, nhà ai có vườn hoặc dù chỉ có vài cây sầu riêng cũng phải cử người canh giữ suốt ngày. Đặc biệt vào ban đêm phải mắc võng ngủ canh để chống mất trộm. Nhà ai có vườn rộng phải thuê mướn thêm người bảo vệ.
Cách đây nửa tháng, một trong những người có vườn sầu riêng lớn nhất VN là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, cho biết bán xô 500 tấn sầu riêng giá 77.000 đồng/kg. Đây là thời điểm “vụ nghịch tự nhiên” mà chỉ có VN có sầu riêng tươi để xuất khẩu nên giá sẽ rất tốt.
“Mặt hàng sầu riêng vẫn còn nhiều tiềm năng ở thị trường Trung Quốc vì ở nước này mới chỉ có số ít người lần đầu được thưởng thức hương vị của sầu riêng. Sầu riêng lại là trái cây gây nghiện, ai ăn được rồi sẽ tiếp tục ăn. Bản thân tôi trước đây cũng không ăn được sầu riêng, đến giờ thì tôi là người rất mê món này. Bên cạnh đó, không chỉ có người Trung Quốc mà người dân nhiều quốc gia khác cũng đang bắt đầu ăn món này. Người gốc Hoa cũng có mặt khắp thế giới”, ông Đức nói.
Xuất khẩu rau quả qua cửa khẩu đường bộ vẫn chiếm số lượng lớn
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (Lạng Sơn), tình hình xuất khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi và thông suốt. Trong ngày 29.8.2023, số phương tiện có hàng xuất khẩu là 428 xe; gồm: 284 xe hoa quả, 144 xe hàng khác. Số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tồn tính đến 20 giờ ngày 29.8.2023 là 149 xe; trong đó: 110 xe hoa quả, 39 xe mặt hàng khác.
Là người theo dõi sát những diễn biến của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết: Tính đến tháng 6.2023, xuất khẩu sầu riêng đã đạt 915 triệu USD; ước tính đến hết tháng 8, con số này có thể lên tới 1,2 tỉ USD. Hiện tại, vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất nước là Tây nguyên đang vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của VN càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Giá trị xuất khẩu cả năm 2023 có thể vượt 1,5 tỉ USD.
Ngoài sầu riêng nhiều mặt hàng rau quả xuất khẩu của VN cũng tăng trưởng mạnh như: chuối, mít, xoài và chanh leo chế biến đều đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Một số mặt hàng khác tuy giá trị thấp hơn nhưng kim ngạch vẫn tăng đến 3 con số như: dưa hấu, vải, bưởi, cau… Sự tăng trưởng mạnh và đồng loạt của các sản phẩm rau quả đã giúp kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 đạt gần 3,5 tỉ USD, tăng 57%, xét về con số tuyệt đối tăng hơn 1,2 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Giá chuối tăng, mít “nhảy múa”
Ngoài sầu riêng thì chuối, mít là những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của VN. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – người được mệnh danh là “vua chuối”, cho biết: Năm nay xuất khẩu chuối tương đối thuận lợi. Tại hai thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc, đầu ra và giá cả ổn định nhờ các hợp đồng dài hạn. Riêng tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, giá luôn duy trì mức cao hơn bình thường khoảng 3 USD/kg. Hiện tại đang là mùa thấp điểm ở Trung Quốc do họ cũng vào vụ thu hoạch nhưng giá bán vẫn ở mức 10 – 11 USD/kg so với trung bình các năm trước chỉ khoảng 7 USD/kg. Còn đầu năm giá chuối xuất qua Trung Quốc lên đến 14 – 15 USD/kg.
“Năm nay, xuất khẩu chuối vào Trung Quốc thuận lợi do nhiều nguồn cung cho Trung Quốc bị ảnh hưởng cả về sản lượng và chất lượng vì dịch bệnh Panama trên cây chuối. Dịch bệnh này cũng ảnh hưởng đến một số vùng trồng chuối ở nước này. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến năng suất chuối của Trung Quốc giảm. Những yếu tố này giúp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc gặp nhiều thuận lợi trong năm nay”, ông Huy cho biết.
VN cần nâng chất lượng sầu riêng
Thái Lan là nước xuất khẩu chính sầu riêng tươi cho Trung Quốc còn Malaysia là nước xuất sầu riêng đông lạnh chất lượng cao. Để tăng cạnh tranh, Thái Lan quyết định tự nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu với chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như các năm trước. Chất khô trong quả tăng thì nước ít đi như vậy quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Philippines đã có được Nghị định thư để xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc với 50.000 tấn sầu riêng trong năm nay. Như vậy, nước này sẽ trở thành một trong ba nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn cho thị trường Trung Quốc, cùng với Thái Lan và VN.
Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc trồng sầu riêng là điều đáng mừng với những nước xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với VN cần phải củng cố, nâng cao niềm tin về chất lượng sản phẩm của mình không chỉ ở Trung Quốc mà ngay cả thị trường tiêu thụ nội địa của 100 triệu dân. Bên cạnh đó, ngoài thị trường truyền thống thì việc mở rộng thị trường mới tại các nước có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống là cần thiết. Riêng cộng đồng người Việt ở nước ngoài có trên 5,3 triệu người, trong đó tại Mỹ hơn 2 triệu người cũng là thị trường tiềm năng của sầu riêng VN trong tương lai.
Tương tự với mít. Khoảng 1 tuần qua, giá mít ở khu vực ĐBSCL tăng vọt từ 50.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg. Đây có thể nói là mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Ông Đoàn Văn Hoài, chủ một vựa mít tại H.Cái Bè (Tiền Giang), thông báo: “Giá thu mua mít Thái loại 1 hiện nay đã chạm mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá vượt ngoài dự đoán và ngoài mong đợi của các chủ vườn. Nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao trong khi sản lượng mít đang giảm là yếu tố thúc đẩy giá tăng vọt”. Đến ngày 30.8, nhiều vựa mít ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngưng hoạt động. Nguyên nhân được các vựa đưa ra là không có hàng để mua. Một số vựa cho hay các thương lái đi cắt đem về vựa rất ít, không đủ hàng lên xe vận chuyển sang Trung Quốc nên phải tạm ngưng hoạt động. Việc nguồn cung hàng không ổn định khiến giá mít vài ngày gần đây giảm nhẹ trở lại, trung bình từ 5.000 – 8.000 đồng/kg.
Thanhnien.vn