Lực lượng trật tự đô thị không thể kiểm tra vỉa hè 24/24h, vì vậy TP HCM có thể thuê doanh nghiệp tổ chức, giám sát việc thu phí, theo chuyên gia.
“Chủ trương thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của thành phố là hợp lý nhưng khó thực hiện hiệu quả nếu không đồng thời kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm”, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM (HIDS) nói tại hội thảo về quản lý và khai thác vỉa hè trên địa bàn, ngày 30/8.
Cuối tháng 7, UBND TP HCM ban hành quyết định thu phí một phần lòng đường, vỉa hè ở những vị trí đủ điều kiện từ tháng 9. Những tuyến đường được cho thuê phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu 1,5 m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều đi.
Hiện, mức phí cụ thể chưa được công bố, song trong dự thảo, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất mức phí thuê mỗi m2 để giữ xe là 50.000-350.000 đồng một tháng. Giá thuê 20.000-100.000 đồng mỗi m2 cho hoạt động khác.
Theo ông Tân, đặc điểm của kinh tế vỉa hè là linh động, cùng một vị trí có thể có nhiều người buôn bán vào các thời điểm khác nhau từ sáng sớm đến đêm khuya. Do đó, lực lượng viên chức làm việc theo giờ hành chính không đủ khả năng giám sát việc sử dụng vỉa hè suốt 24 giờ trong ngày.
Trong khi đó, một khi đã thu phí, thành phố phải đảm bảo ai đóng tiền sẽ được đảm bảo quyền lợi và ngược lại phải có biện pháp chế tài những trường hợp sử dụng trái phép. Nếu không, người dân sẽ khó lòng đồng thuận với chủ trương thu phí vỉa hè.
“Tiền thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm, nên TP HCM có thể dùng một phần để thuê doanh nghiệp giám sát thay nhà nước”, ông Tân nêu ý kiến.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng thành phố có thể lập một công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị, do doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty dịch vụ công ích vận hành. Đơn vị này sẽ ký hợp đồng với các quận, huyện, thay mặt Nhà nước quản lý, giám sát, theo dõi quá trình cho thuê vỉa hè, kết hợp với các đơn vị chức năng xử phạt các trường hợp lấn chiếm.
Một phần nguồn thu từ vỉa hè sẽ được chi trả cho công ty để vận hành bộ máy theo dõi, giám sát. Số còn lại nộp ngân sách, trích lại để các quận, huyện chỉnh trang, cải tạo mỹ quan vỉa hè hàng năm.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó phòng Quản lý đô thị quận 4, cũng cho biết việc lập biên bản xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán trong thực tế gặp nhiều khó khăn do người vi phạm không hợp tác, không chịu cung cấp thông tin.
“Tôi đã từng đề xuất trích lại một phần nguồn thu phí vỉa hè để tăng thu nhập cho lực lượng quản lý trật tự đô thị nhưng không thực hiện được. Bởi theo quy định tất cả các khoản thu từ phí, lệ phí đều phải nộp ngân sách”, ông nói.
Trong khi đó, PGS Huỳnh Quốc Thắng (ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn TP HCM), thành phố cần ứng dụng triệt để công nghệ để giám sát vỉa hè hiệu quả, ví dụ thông qua hệ thống camera. Bởi nếu quản lý bằng con người thì không biết cần bao nhiêu mới đủ giám sát cả nghìn tuyến đường.
TP HCM đang có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó có gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, họp chợ tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị.
Chủ trương thu phí lòng đường, hè phố nhằm sắp xếp lại trật tự vỉa hè, lòng đường cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc triển khai cũng được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như số hoá dữ liệu; xây dựng các phần mềm cấp phép, thu phí; làm các thủ tục online để giảm thủ công…
Việt Đức