Sáng 30/8, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Cây cầu mới bắc qua sông Hồng được khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên – Thạch Bàn ( quận Long Biên). Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng dài 3,5km, rộng 19,25m.
Hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội với 8 làn ô tô.
Sau lễ thông xe sáng nay, toàn bộ xe đi từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên sẽ di chuyển một chiều trên mặt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (khánh thành vào năm 2010) sẽ tổ chức giao thông một chiều theo hướng từ quận Long Biên đi quận Hai Bà Trưng.
Theo phương án phân luồng của Sở GTVT Hà Nội, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các phương tiện được lưu thông tốc độ tối đa 60km/h ở 3 làn xe cơ giới. Tại làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) được lưu thông tốc độ tối đa 40km/h.
Trong khi đó, đối với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, ở 4 làn xe cơ giới cạnh dải phân cách giữa được di chuyển với tốc độ tối đa 40km/h. Tại làn xe hỗn hợp, các phương tiện được chạy tối đa 30km/h.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông và kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng biểu dương việc thi công công trình vượt tiến độ khoảng 4 tháng, không đội vốn và có thể sẽ tiết kiệm được vốn sau khi quyết toán.
“Không có việc gì khó, vấn đề chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu.
Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao thông liên quan nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2025 – 2030. Các cơ quan phấn đấu sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4.
Các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối, lan tỏa cao, để Hà Nội có nhiều công trình to đẹp, xứng tầm hơn nữa.