Ngày 30.8, tại TP.Vũng Tàu, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tục ăn trầu của các dân tộc Việt Nam”.
Có hơn 130 hiện vật gốc là bình vôi, khay trầu, chìa ngoáy trầu, dao bổ cau… ở thế kỷ 19 và 20 được làm bằng những chất liệu khác nhau như gốm, kim loại với nhiều kích cỡ, hoa văn trang trí phong phú đa dạng được giới thiệu tại chuyên đề.
Ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tục ăn trầu có truyền thống lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, châu Đại Dương. Tại Việt Nam, tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cổ tích “Chuyện trầu cau”.
Với người dân Việt Nam, ăn trầu không chỉ là một thói quen mà còn là yếu tố cấu thành những giá trị văn hóa độc đáo.
Trong nhiều sử liệu cho thấy, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ cung đình cho đến dân gian và đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài dân tộc Kinh, nhiều dân tộc khác như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu… từ vùng núi phía Bắc đến các dân tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, Tây nguyên như Khơ Mú, Bru, Ê đê, và người Chăm, Khmer, Chơ ro, Châu mạ ở Nam Trung bộ, Nam bộ, Đông Nam bộ đều có tục ăn trầu.
Ở mỗi dân tộc, tục ăn trầu đều có những nét tương đồng, tuy nhiên, do môi trường sống và không gian văn hóa khác nhau mà tục ăn trầu của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng…
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và nhịp sống hiện đại, tục ăn trầu đang dần bị mai một trong đời sống hằng ngày. Thói quen ăn trầu hầu như chỉ còn trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội, nghi lễ truyền thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp…
Tại lễ khai mạc, các nghệ nhân đã têm trầu cánh phượng mời người dân và du khách. Chuyên đề “Tục ăn trầu của các dân tộc Việt Nam” được trưng bày đến ngày 25.10.