Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Du lịch xanh, lựa chọn của Việt Nam. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có 8 di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới. Có thể thấy, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa – nhân văn của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, phát triển du lịch xanh là rất cần thiết nhằm góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Nhận thức rõ được tiềm năng và vai trò của du lịch xanh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017, khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh…
Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chính sách và nhiều hoạt động liên quan đến du lịch xanh như: Ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh”; tổ chức “Tuần văn hóa Du lịch Di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”…
Nhờ đó, thời gian qua, một số địa phương đã tiên phong trong phát triển du lịch xanh. Trong đó, các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)…
Mô hình cá Bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Tại Côn Đảo, khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa. Một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort, giúp trứng rùa và rùa con được chăm sóc tốt. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ.
Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc Tây Nguyên trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum. Tỉnh có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.
Bến Tre cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh. Đây là tỉnh có thế mạnh du lịch về sinh thái với những vườn dừa xanh rộng lớn, nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu…
Phát triển du lịch xanh có thể hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa… – Ảnh: VGP/Diệp Anh
Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy, xu hướng của khách du lịch Việt Nam quan tâm nhiều đến du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá thiên nhiên đứng ngay hàng thứ 2 và có hướng tăng lên nhiều so với lần khảo sát trước đây (từ 48% tăng lên 56%). Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
Tổ chức UNWTO đánh giá khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới và Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Việt Nam là một đất nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Từ những thế mạnh đó, thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh trên cả nước, Việt Nam chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp./
Diêm Giang