Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được áp dụng và nhân rộng tại nhiều địa phương, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, đem lại thu nhập cho người dân.
Trang trại rộng trên 5ha của anh Nguyễn Phong Phú (tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được xây dựng theo mô hình nông nghiệp khép kín ứng dụng công nghệ cao nhiều năm qua. Hiện anh đang tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí đầu tư. Trang trại chủ yếu trồng hoa thương phẩm, các loại hoa giống mới, thị trường ưa chuộng như đồng tiền, sao tím, mai xanh, lá trang trí hoa nghệ thuật đến chăn nuôi 70 con bò sữa cho thu về trên 300 lít sữa tươi mỗi ngày.
Trước đây trung bình mỗi tháng anh Phú phải chi trả từ 9 – 10 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, từ khi áp dụng các hình thức tiết kiệm điện, triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, anh đã tiết kiệm một khoản lớn chi phí sử dụng điện.
Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường; góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường.
Anh Nguyễn Phong Phú cho biết: Hệ thống tấm quang điện mặt trời mái nhà được lắp đặt vào quý IV/2022 với kinh phí trên 300 triệu đồng, đến nay cho thấy có nhiều lợi ích rõ rệt: chủ động nguồn điện, tiết kiệm điện, nhất là điện phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi như vắt sữa bò, phun tưới tự động, tiết kiệm khoảng 24 triệu/năm.
Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Gia Nguyễn (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) chuyên sản xuất rau hữu cơ nên sử dụng nguồn nước thường xuyên, liên tục. Vào mùa khô, nắng nóng, có thời điểm hợp tác xã phải dùng trên 15 máy bơm công suất lớn. Để giảm chi phí tiền điện, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm, hợp tác xã còn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Nhờ áp dụng các hình thức này mà chi phí tiền điện hàng tháng đã giảm khoảng 30% so với trước.
Tại Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình kết hợp sản xuất điện mặt trời trong nuôi tôm. Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vốn là một trang trại nuôi tôm rộng 4 ha, sản lượng hàng năm rơi vào khoảng 75 – 80 tấn tôm mỗi năm.
Nhận được hỗ trợ từ Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, anh Long Văn Nghĩa – chủ trang trại quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời ngay trên những ao lắng vốn dùng để nuôi nước cho tôm. Đầu tư 32 tỷ đồng cho 2MWp, mỗi năm, anh Nghĩa thu về 7 tỷ đồng tiền bán điện bên cạnh 20 tỷ đồng doanh thu từ nuôi tôm.
“Điện mặt trời trên trang trại tôm có nhiều ý nghĩa quan trọng: đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đồng thời đây cũng là nguồn điện sạch được sản xuất tại những ao lắng đang bỏ không. Ao nước rất sạch khi được áp mái pin mặt trời, sử dụng cho ao tôm rất an toàn” – anh Nghĩa nhận xét về mô hình này.
Trong khi đó, tại Ninh Thuận, Công ty Giải pháp năng lượng tuần hoàn (CAS) đang áp dụng nuôi dê và trồng thử nghiệm các loại cây dưới những tấm pin tại trang trại điện mặt trời rộng 3ha.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia về năng lượng tái tạo, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng lớn nhất về điện mặt trời, tiếp theo Tây Nguyên.
Sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác điện mặt trời diễn ra trên cùng một khu đất sẽ rất phù hợp trong các lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Năng lượng mặt trời có thể được khai thác mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất, qua đó hiệu suất sử dụng đất trồng trọt có thể tăng đến 60%.
Việc tính toán những diện tích cây trồng cần ít ánh nắng và phù hợp với sản xuất điện mặt trời cho thấy, tổng tiềm năng điện lên tới 386 GW, tương đương 550 tỷ kWh/năm. Nếu tiềm năng này được khai thác thì sẽ giảm tới 502 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm.
Ông Khánh cho biết thêm, sản xuất điện kết hợp nông nghiệp là hướng đi nhiều triển vọng, với nhiều yếu tố thuận lợi như chi phí đầu tư cho điện mặt trời vẫn tiếp tục được cải thiện; được các tổ chức quốc tế ủng hộ; nhu cầu năng lượng dự kiến tiếp tục tăng mạnh dẫn tới nhu cầu tăng cao cho việc đầu tư cho năng lượng tái tạo và điện mặt trời…
Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics) là mô hình kết hợp lắp đặt các tấm quang năng lên trực tiếp diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm của mô hình này là hiệu suất sử dụng đất cao, tận dụng được khoảng không trong nông nghiệp cho sản xuất điện sạch. Điện được làm ra sẽ được tận dụng cho chính các hoạt động sản xuất, chế biến và lưu trữ nông sản tại chỗ cũng như hoạt động kinh tế ở các khu vực lân cận. |
Minh Thái