Ngoài một số bệnh lý, đau đầu đôi khi do dị ứng, căng thẳng, uống quá nhiều rượu hoặc ăn đồ ngọt thường xuyên.
Đau đầu là tình trạng rất phổ biến, thường xuất hiện ở vùng đầu và mặt. Cơn đau xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, tại một vị trí nhất định hoặc lan tỏa. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.
Dị ứng
Dị ứng thực phẩm, các chất trong môi trường (bụi, lông thú cưng, phấn hoa…) thường gây sổ mũi, hắt hơi, ngứa hoặc chảy nước mắt và đau đầu. Theo Trường Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch Mỹ, dị ứng làm sưng tấy trong các hốc xoang do lỗ thông trong xoang bị tắc nghẽn và áp lực tăng lên dẫn đến đau đầu do xoang.
Mất nước
Mất nước do tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc không khí khô, lạnh có thể dẫn đến đau đầu. Mất nước làm não co lại, gây áp lực lên các dây thần kinh. Đau đầu do mất nước thường phát triển cùng với chóng mặt, khát nước quá mức và khô miệng. Cơn đau ở một chỗ hoặc khắp đầu, thường âm ỉ nhưng có khi đau nhói.
Cơn đau đầu thường hết khi uống đủ nước, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau. Nếu có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như lú lẫn, mệt mỏi, yếu cơ, người bệnh cần đến cơ sở y tế.
Lạm dụng thuốc
Người lạm dụng thuốc để trị đau đầu có thể bị đau đầu hồi ứng (cơn đau tái phát). Cơn đau đầu này phát triển có thể do dùng thuốc giảm đau hơn 10-15 ngày trong một tháng, tùy loại thuốc.
Căng thẳng
Căng thẳng khiến cơ thể giải phóng các hóa chất trong não, ảnh hưởng đến các mạch máu bên trong đầu, gọi là đau đầu do co cơ. Theo Tổ chức đau nửa đầu Mỹ, cơn đau đầu do căng thẳng có thể kéo dài 30 phút, xảy ra đến một tuần. Tập thở sâu hoặc thiền có thể có ích.
Mắc Covid-19, cảm lạnh, cúm
Đau đầu là triệu chứng phổ biến của Covid-19, cảm lạnh và cúm do phản ứng viêm của cơ thể với virus. Cơn đau gây áp lực mạnh ở đầu và nặng hơn khi ho hoặc hắt hơi có thể do Covid-19. Tiêm vaccine giảm nguy cơ mắc Covid-19, cúm. Để phòng tránh cảm lạnh, nên rửa tay thường xuyên, giữ ấm và tránh tiếp xúc người bệnh.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
Theo Tổ chức Chứng đau nửa đầu Mỹ, ngủ không đủ giấc hoặc quá nhiều đều là tác nhân của đau đầu. Vì thói quen ngủ không tốt này gây ra thay đổi trong não.
Ngưng thở khi ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến. Lưu lượng oxy lên não giảm dẫn đến các cơn đau đầu khi thức dậy. Người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Nghiến răng
Nếu bạn thức dậy với cơn đau đầu âm ỉ, kèm đau hàm thì đau đầu có thể do nghiến răng khi ngủ. Giấc ngủ kém và căng thẳng cũng gây nghiến răng. Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng giúp bảo vệ răng và ngăn ngừa đau đầu.
Caffeine
Tiêu thụ một số loại đồ uống như trà, cà phê, nước ngọt có chứa caffeine cũng là nguyên nhân. Giảm dần lượng caffeine nạp vào để giảm đau đầu, không cắt bỏ đột ngột nếu đã quen uống hàng ngày vì triệu chứng có thể nặng hơn.
Hút thuốc
Hút thuốc lá và ngửi mùi khói thuốc khiến nhiều người bị đau đầu và đau nửa đầu. Do nicotine trong các sản phẩm thuốc lá là chất gây nghiện gây ra tình trạng này.
Theo Viện Đau đầu Quốc gia Mỹ, nicotine trong thuốc lá làm co các mạch máu trong não, khiến lưu lượng máu đến não và các mô xung quanh ít hơn. Nicotine kích thích các dây thần kinh truyền tín hiệu đau.
Uống rượu
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nôn nao, đau đầu do mất nước. Vì rượu có tác dụng lợi tiểu khiến người uống đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước. Uống nhiều nước hoặc đồ uống không chứa cồn giúp giữ nước, điều tiết lượng rượu uống vào.
Ăn nhiều đồ ngọt
Dị ứng với chất làm ngọt nhân tạo trong các loại đồ ngọt cũng khiến đầu đau. Tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate tinh chế có thể hạ đường huyết phản ứng gây đau đầu, run, đổ mồ hôi, buồn nôn. Điều này do cơ thể sản xuất quá nhiều insulin để đáp ứng với lượng đường cao nạp vào, làm cho đường huyết giảm xuống. Hạ đường huyết phản ứng thường xảy ra khoảng 2-4 giờ sau ăn.
Cắt giảm đường và các loại carbohydrate tinh chế, thay bằng thực phẩm chứa carbohydrate tiêu hóa chậm hơn giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |