Đại diện Grab cho biết bản đồ vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam được dùng trên ứng dụng đặt xe do bên thứ 3 cung cấp, thông tin vi phạm đang được sửa chữa.
Trong hai ngày 8 và 9/4, nhiều người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ trên ứng dụng thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tại khu vực quần đảo Trường Sa, bản đồ của Grab chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”. Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.
Chiều 9/4, trả lời VnExpress, Grab Việt Nam cho biết sự việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. “Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh”, đại diện Grab Việt Nam nói, khẳng định cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam.
Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 11/2/2020 quy định hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia Việt Nam sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.
Mức phạt tương tự được áp dụng với các hành vi khác như: giả mạo, làm sai lệch dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; thể hiện không chính xác đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ trên thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Hôm 8/4, Công ty Cổ phần sự kiện Peak, đơn vị tổ chức giải bơi quốc tế Oceanman bị phạt 25 triệu đồng vì dùng bản đồ chú thích sai về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 9/2020, một người Trung Quốc dạy tiếng Trung tại trung tâm ngoại ngữ ở Hải Phòng bị phạt 12,5 triệu đồng vì sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng tải hình ảnh bản đồ Việt Nam thể hiện sai chủ quyền quốc gia. Người này sau đó gỡ bỏ thông tin sai phạm, có thái độ hợp tác với cơ quan chức năng và cam kết không tái phạm.
Theo Vnexpress.net