Thông tin từ các cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP HCM cho biết giá thép vừa có đợt điều chỉnh giảm lần thứ 17 từ đầu năm đến nay.
Trong đó, thép thương hiệu Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất, tới 810.000-820.000 đồng/tấn so với tuần trước, xuống còn 14,72-15,22 triệu đồng/tấn, tùy loại.
Kế đến là thép Thái Nguyên giảm 400.000-410.000 đồng/tấn, tùy loại, giá bán hiện nay từ 13,57-13,92 triệu đồng/tấn.
Một doanh nghiệp khác có thị phần lớn là tập đoàn Hòa Phát cũng giảm giá thép cuộc và thép cây từ 300.000-310.000 đồng/tấn, xuống còn 13,53-13,84 triệu đồng/tấn. Hoặc nhà máy thép Việt Sing giảm giá từ 200.000-210.000 đồng/tấn, còn 13,19-13,60 triệu đồng/tấn.
Giá thép xây dựng liên tục giảm
Các doanh nghiệp thép Việt Ý, Việt Đức, Thép VAS, Thép Mỹ… đã giảm giá từ tuần trước, nay cũng tiếp tục giảm thêm từ 100.000-110.000 đồng/tấn, còn 13,19-13,89 triệu đồng/tấn, tùy loại. Thương hiệu Pomina tuần này cũng giảm 100.000 đồng/tấn, còn 14,08-14,59 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Tuyên Quang được xem là thương hiệu có mức giá thấp nhất thị trường hiện nay, chỉ còn dưới 13 triệu đồng/tấn. Cụ thể, tuần này giá thép Tuyên Quang được điều chỉnh giảm tiếp 100.000-110.000 đồng/tấn, còn 12,84-13,19 triệu đồng/tấn.
Các cửa hàng vật liệu xây dựng biết từ đầu tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) đến nay sức mua giảm rất mạnh đến 60%-70%, thậm chí có cửa hàng giảm đến 90%.
Anh Châu Tấn Phong, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại thành phố Thủ Đức, TP HCM, cho hay bình thường sức mua đã yếu, nay rơi vào tháng cô hồn nên càng không bán được hàng. Ngay cả những người sửa chữa nhỏ cũng kiêng kỵ.
Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sở dĩ giá thép liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp. Những nhà máy thép có quy mô lớn cũng phải điều chỉnh giảm sản lượng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo hiệp hội, tỉ giá hiện đang tăng cũng đã tác động đến giá nguyên liệu sắt thép nhập khẩu tăng theo. Do đó, thời gian tới khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá thép xây dựng trong nước có thể được điều chỉnh tăng tương ứng.