Các kết quả quan sát ban đầu về vũ trụ của kính viễn vọng James Webb không thể giải thích được nếu dựa trên những mô hình vũ trụ đang được đồng thuận. Những mô hình này ước tính vũ trụ khoảng 13,8 tỉ tuổi, dựa trên khái niệm giãn nở theo sau sự kiện Big Bang.
Trong bài viết trên trang The Conversation hôm 29.8, đội ngũ của nhà vũ trụ học Rajendra Gupta, giảng viên Đại học Ottawa (Canada) đề xuất mô hình mới cho thấy vũ trụ có lẽ đã 26,7 tỉ năm tuổi, dựa trên những quan sát mới của kính James Webb về các thiên hà đời đầu của vũ trụ.
Những hình ảnh về các thiên hà đời đầu cho thấy một số có niên đại vào thời bình minh của vũ trụ, tức từ 500 đến 800 triệu năm tuổi sau sự kiện Big Bang, nhưng hình dạng của chúng chẳng khác nào các thiên hà đã trải qua một thời gian dài tiến hóa.
Còn những thiên hà kích thước nhỏ lại có khối lượng lớn hơn các thiên hà với bề ngoài đáng nể.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, giảng viên Gupta sử dụng mô hình “lai”, tức trộn lẫn một số mô hình khác nhau để cho ra đời mô hình mới nhằm giải thích những quan sát của kính James Webb.
Theo đó, ông cho rằng vũ trụ phải già hơn so với giả thuyết lâu nay để các thiên hà có thêm thời gian phát triển đến mức độ ấn tượng như kính James Webb ghi nhận.
Giảng viên Đại học Ottawa cũng cho hay những quan sát mới của kính James Webb đang thúc đẩy giới chuyên gia tư duy theo hướng vật lý mới trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận nhằm giải thích các quan sát của kính James Webb.