Ngân hàng muốn tìm nơi để cho vay
Từ nay đến cuối năm, những khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc, hay những khách hàng cần vốn để phục vụ đời sống tiêu dùng của cá nhân như mua nhà đất để ở, xây mới hoặc sửa nhà/chung cư để ở, mua sắm tiêu dùng… đều đang có cơ hội vay vốn giá rẻ.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, cho biết, thông qua những lần giảm lãi suất từ đầu năm đến nay, SHB đã thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu với mức giảm từ 0,5-2% tuỳ từng đối tượng khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đã triển khai những chính sách đang áp dụng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng qua việc giảm lãi suất từ 0,5 – 2% đối với khách hàng mới, chương trình này sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2023.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa công bố triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường. BVBank cho biết, chương trình được triển khai từ 4/8 – 31/12, ưu đãi lãi suất hướng đến khách hàng cá nhân bổ sung vốn để đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mua nhà đất – sửa chữa nhà, hoặc kích cầu tiêu dùng cá nhân những tháng cuối năm.
Song song với đó, BVBank triển khai gói vay ưu đãi lãi suất giảm 2%/năm, chỉ từ 8,5%/năm, với quy mô 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình được BVBank triển khai từ 7/8 – 21/12.
Đáng chú ý hơn cả, “ông lớn” Agribank vừa công bố dành hơn 60.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở.
Theo đó, từ nay đến hết 31/12, khách hàng DNNVV được vay vốn với lãi suất giảm 0,7% so với lãi suất cho vay thông thường. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tương tự, Agribank dành tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, máy móc, vật liệu xây dựng, xăng dầu,… với lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành.
Đối với chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1% – 2%/năm.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu mua nhà, mua xe và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khách hàng, BIDV cũng đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi.
Trong đó, gói vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn 40.000 tỷ đồng được BIDV triển khai từ đầu tháng 7 đến hết 30/9 dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất từ 6,8%/năm với các khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng.
Gói vay trung dài hạn lãi suất từ 8,5%/năm phục vụ nhu cầu đời sống được BIDV hướng đến các nhu cầu chi tiêu, mua sắm cần thiết trong đời sống như: mua nhà ở, mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng khác. Riêng với khách hàng là cán bộ công tác trong ngành y tế/giáo dục, lãi suất từ 8%/năm.
Đặc biệt, với các khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực xanh để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 7,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 8,2%/năm với các kỳ hạn trên 12 tháng.
Ngoài những ngân hàng nói trên, nhiều nhà băng khác cũng đang trong tình trạng dư thừa tiền mặt và đều có các chương trình đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm.
Doanh nghiệp mong lãi suất giảm và hơn thế nữa
Về phía doanh nghiệp, trao đổi với VietNamNet, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là lãi suất đã giảm, cùng với đó là điều kiện cho vay cũng “dễ thở” hơn.
Ông Quốc Anh cho rằng với lãi suất cho vay từ 8 – 9%, doanh nghiệp sẽ có được nhiều lợi nhuận hơn. Nếu lãi suất cho vay trên 10%, sẽ rất khó để doanh nghiệp đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Bên cạnh các khoản vay mới, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn được giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu.
“Hiện các khoản vay cũ từ quý III – IV năm ngoái với lãi suất lên đến 15-16%/năm, nhưng nay đã được ngân hàng điều chỉnh xuống khoảng 12 – 13%/năm. Vừa rồi các doanh nghiệp tiếp tục làm hồ sơ đề nghị, hy vọng từ nay đến cuối năm có thể được giảm tiếp lãi suất các khoản vay này từ 0,5-1%”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng lãi suất tuy đã giảm nhưng quan trọng hơn là các điều kiện đi kèm, cũng như tăng khả năng vay tín chấp cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng hy vọng các ngân hàng cắt giảm thủ tục cho vay để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. Các ngân hàng đã có những chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi, chúng tôi cũng muốn có những giải pháp để khách hàng không bị nhảy nhóm nợ, vì khi bị nhảy nhóm thì doanh nghiệp sẽ rất khó để vay vốn mới”.
Với việc NHNN ban hành Thông tư 10 về việc ngưng thi hành một số điều khoản của Thông tư 06 kể từ 1/9 quy định về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng đây là động thái hết sức kịp thời của NHNN, giúp cho các doanh nghiệp yên tâm với các khoản đầu tư mới.
“Với các nhà đầu tư, việc đầu tư vào một dự án mới, điều quan trọng là thủ tục pháp lý cần đảm bảo một cách chặt chẽ, tối ưu. Theo tôi Thông tư 10 đã đảm bảo chắc chắn quyền lợi cho các nhà đầu tư”, đại diện Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội chia sẻ quan điểm.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 mới chỉ đạt hơn 4,6%, thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Trong khi đó, theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, thanh khoản trong các ngân hàng đang rất dồi dào. Do đó, nhiều ngân hàng đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất để cho vay ra.
“Các ngân hàng chủ yếu sống nhờ tín dụng, khi đã huy động vào thì phải cho vay ra, không thể cất giữ trong két”, Phó Thống đốc nói.