Giá cà phê Robusta hồi phục, thêm kỳ vọng cho xuất khẩu cà phê Việt Nam Giá tăng cao, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 2,8 tỷ USD |
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 21/08 (sáng 22/8, giờ Việt Nam), bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ.
Giá cà phê Robusta được dự báo vẫn còn dư địa tăng |
Cụ thể, giá cà phê Arabica nối tiếp đà từ phiên cuối tuần trước với mức tăng 0,53% so với tham chiếu khi tồn kho đạt chuẩn đang ở mức thấp. Dù vậy, mức tăng còn khá yếu do áp lực từ việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Brazil.
Theo dữ liệu từ Sàn hàng hóa liên lục địa (ICE), tồn kho Arabica đạt chuẩn tại đây tính đến hết ngày 20/08 chỉ ở mức 513.665 bao loại 60kg, là mức thấp nhất được thống kê lại trong 9 tháng gần đây.
Tuy vậy, nông dân Brazil vẫn đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Arabica đạt chuẩn ra thị trường quốc tế. Thống kê sơ bộ trong 18 ngày đầu tháng 08 từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê (CECAFE) cho biết, Brazil đã xuất khẩu 1.417.115 bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60kg, tăng 26% so với mức 1.128.691 bao được vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ tháng trước.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta – sản phẩm cà phê chủ lực của Việt Nam quay đầu tăng nhẹ 0,13% sau một tuần suy giảm. Giá cà phê Robusta đang bị chi phối bởi sự trái chiều trong xuất khẩu cà phê tại hai thị trường cung ứng Robusta lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu Robusta số 1 toàn cầu, xuất khẩu cà phê đang bị hạn chế do nguồn cung rơi vào tình trạng cạn kiệt. Trong khi đó, nông dân tại Brazil, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu với lượng Robusta vận chuyển ra nước ngoài từ đầu tháng tính đến hiện tại cao gấp 2 lần so với cùng kỳ tháng trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cùng với những hỗ trợ từ nhu cầu cà phê Robusta đang ở mức cao, yếu tố nguồn cung cũng có thể sẽ là nhân tố quan trọng góp phần hỗ trợ giá cà phê tạo ra những điểm nhấn mới trong năm 2023.
Đầu tiên chính là lo ngại về vấn đề nguồn cung cà phê tại Việt Nam. Không chỉ ở hiện tại với vấn đề tồn kho gần như cạn kiệt, nhìn xa hơn chính là triển vọng nguồn cung không mấy tích cực trong niên vụ 2023/24. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ sắp tới chỉ ở mức 27,5 triệu bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần đây. Kết hợp cùng cảnh báo từ Trung tâm Dự đoán Khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), El Nino đã xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mùa vụ cà phê tại các quốc gia sản xuất hàng đầu châu Á, đặc biệt là Việt Nam, khiến cho vấn đề hồi phục nguồn cung cà phê tại đây vẫn là một thách thức lớn.
Không riêng tại Việt Nam, 2 quốc gia cung ứng cà phê lớn trên thế giới khác là Brazil và Indonesia đều cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan về nguồn cung cà phê niên vụ 2023/24. Thậm chí, USDA còn dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại Indonesia chỉ khoảng 9,7 triệu bao, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm.
Nếu những dự báo trên là chính xác, giá cà phê nội địa tại Việt Nam, cũng như giá cà phê Robusta trên thế giới trong nửa cuối năm nay vẫn còn dư địa rất lớn để tăng trưởng.