Theo Quyết định 998/QĐ-TTg ban hành 27.8, Thủ tướng Chính phủ căn cứ các quy định pháp luật và đề nghị của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng thí điểm thành lập từ năm 2017 (theo Quyết định 1268/QĐ-TTg ngày 25.8.2017 của Thủ tướng Chính phủ), thời hạn 3 năm. Sau đó, được cho phép tiếp tục hoạt động thí điểm thêm 3 năm nữa, theo Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 28.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, theo Quyết định 998/QĐ-TTg, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng được tiếp tục hoạt động “cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với mô hình tổ chức chính thức về quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng”.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND TP.Đà Nẵng có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm; phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.
Trước đó, ngày 18.8 tại Hà Nội, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Bộ KH-ĐT về việc sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
TP.Đà Nẵng đề xuất 30 cơ chế, chính sách đề nghị Trung ương xem xét, cho ý kiến. Trong đó, có 26 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; 4 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đề xuất này tương tự các nghị quyết đã áp dụng cho một số tỉnh, thành trên cả nước.
Trong đó, TP.Đà Nẵng đề xuất được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc thành phố (tương tự như tại TP.HCM).
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng được thí điểm thành lập và hoạt động, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) và phần chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của Phòng Quản lý kỹ thuật an toàn – môi trường (nay là Phòng Quản lý công nghiệp, thuộc Sở Công thương).
Theo đánh giá, sau thời gian hoạt động thí điểm, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã cho thấy tính hiệu quả cao, xóa bỏ sự chồng chéo trong công tác quản lý chuyên ngành trước đây, trở thành đầu mối thống nhất và phát huy vai trò quản lý nhà nước.
Do đó, cần có mô hình tổ chức chính thức để giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm mang tính cấp thiết của xã hội; nhất là đối với TP.Đà Nẵng, nơi thực hiện đề án “Thành phố 4 an” gồm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông và an sinh xã hội.