Cả cuộc đời gắn bó với ngành, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Hồng Quân đã đưa ra những quyết sách giáo dục được đánh giá là mới mẻ, táo bạo, “cởi trói”” giáo dục đại học, xây dựng nền tảng cho giáo dục phổ thông.
Hôm nay (27/8), lễ tang GS.TS Trần Hồng Quân được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp cao tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).
Hơn 60 năm với sự nghiệp “trồng người” cũng từng ấy năm, có những điều ông luôn trăn trở với ngành giáo dục mà chưa thể giải quyết được.
Trong buổi gặp gỡ thân mật tại nhà riêng GS.TS Trần Hồng Quân năm 2019, trò chuyện với ông Võ Văn Thưởng (khi là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Bộ trưởng bày tỏ trăn trở về con đường đi của giáo dục nước nhà.
Ông Quân nhận định, học sinh Việt Nam có thể giỏi học thuật hơn học sinh những nước có nền giáo dục tốt như Mỹ, Canada, Phần Lan… Thế nhưng, tư duy tự chủ, tự học, tự nghiên cứu lại thua.
Thay vì làm toán giỏi, học nhiều kiến thức để giải bài tập cho tốt, học sinh các nước phát triển được dạy cách tư duy logic, tư duy phản biện.
Ông Võ Văn Thưởng tới thăm và gửi lời chúc mừng đến nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019. (Ảnh: AN-LĐ) |
GS.TS Trần Hồng Quân từng nhấn mạnh: “Chúng ta đạt giải cao ở các cuộc thi thiên về học thuật, rồi chương trình dạy học của chúng ta cũng nặng về kiến thức nhưng chưa tốt trong việc dạy học sinh tư duy phản biện, khả năng tự tìm tòi, nghiên cứu”.
Do đó, ông Quân cho rằng cho rằng triết lý giáo dục phổ thông Việt Nam đang đi ngược với thế giới, cần định hướng lại. Ngành giáo dục nước nhà cần xây dựng nền tảng tổng quát, mục tiêu chương trình rõ ràng cho bậc phổ thông.
Ông nói: “Nếu như giáo dục phổ thông là nền tảng thì giáo dục đại học phải tăng tốc, có như vậy mới giúp đất nước phát triển”.
Còn trong buổi trò chuyện với ông Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019, nguyên Bộ trưởng trăn trở người thầy vẫn còn quá khổ.
GS.TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh sự nghiệp đổi mới của ngành nếu không cải thiện thu nhập, đời sống thầy cô giáo, sẽ không thể tạo ra động lực. Ông cho rằng vấn đề cải thiện thu nhập cho nhà giáo là cấp thiết, bởi ngành giáo dục cần giữ chân được người giỏi.
Ông nói với Bí thư TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ: “Chúng ta muốn thu hút được người giỏi phải đảm bảo đời sống tối thiểu cho thầy cô. Nhưng hàng chục năm rồi người thầy vẫn còn khổ quá, Đó là vấn đề lớn, đáng bàn”, .
Vào thời điểm 2017, bàn về việc bỏ biên chế giáo viên của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, GS Trần Hồng Quân bồi hồi nhớ lại những đề xuất trước đó.
Ông bày tỏ đã phát hiện sự hạn chế của chế độ biên chế Nhà nước trong ngành giáo dục và đề xuất hướng khắc phục từ những năm 1991-1992, song chưa thể thực hiện.
Ông chia sẻ chế độ biên chế nhà nước có mặt tích cực, tạo ra sự ổn định của đội ngũ, sự yên tâm của người lao động. Song, mặt trái của nó là sự trì trệ đáng sợ.
Giáo sư thẳng thắn bày tỏ biên chế nhà nước như một cái rọ an toàn cho những ai không chịu phấn đấu mà không bị sa thải. Mặt khác, nó cũng là cái lồng hẹp mà những người năng động, sáng tạo giỏi giang chỉ có thể “múa gậy” trong đó.
Từ những mặt trái đó, cơ chế biên chế nhà nước thiếu sự sàng lọc để chọn lựa tối ưu, thiếu sự cạnh tranh nên triệt tiêu động lực lao động, hạn chế phát triển.
Khi triển khai chủ trương này trong cả hai giai đoạn thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân và sau này là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều gặp phải sự phản đối quyết liệt bởi tư tưởng bởi nhiều giáo viên cho rằng “cảm thấy bị tổn thương!”.
GS Trần Hồng Quân đánh giá rằng đây là một chủ trương chấn động toàn hệ thống giáo dục và rất khó ra một quyết định tác động đến nhiều người như vậy. Sự cảm xúc có thể lay động tư duy lý trí.
Thay bằng biên chế, ông đề xuất chế độ hợp đồng giảng dạy, thực hiện chế độ trả lương theo chất lượng. Điều này tạo điều kiện để thầy cô có toàn quyền quyết định khối lượng công việc nhận làm, mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và về thời hạn hoàn thành công việc.
Có nghĩa là việc làm, thu nhập, đời sống của giáo viên gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ của họ trong giảng dạy. Đây chính là nguồn động lực tự thân của từng thầy cô cũng như của toàn bộ đội ngũ.
Tuy nhiên, hơn 30 năm sau, ông vẫn kiên định chủ trương xóa bỏ biên chế giáo viên và cho rằng nên kiên trì, vì “đại cuộc”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh dù có thay đổi vẫn cần hiểu hết các khía cạnh nghĩa tình chung thủy mà có chính sách thỏa đáng với những nhà giáo có đóng góp cho giáo dục.
GS Trần Hồng Quân sinh ngày 15/2/1937, quê xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông từ trần ngày 25/8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa X. GS Trần Hồng Quân bắt đầu với sự nghiệp giáo dục năm 1961 khi là giảng viên từng làm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, ông chuyển về TP. Hồ Chí Minh làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh năm 1976-1982. Từ năm 1987 đến 1997, ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, sau này là Bộ GD&ĐT. Sau khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam rồi Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội ctrường đại học, cao đẳng Việt Nam cho tới lúc từ trần. |