Ngày 26/8, 250 bệnh nhân và người thân từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đã quy tụ về Huế để lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia ung bướu đến từ Đại học Chicago & Đại học Stanford (Mỹ). Chương trình là sự tiếp nối của “Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam” năm 2017 & 2018 do Salt Cancer Initiative(SCI) phối hợp cùng Bệnh viện Trung Ương Huế & Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (VIETTEL) tổ chức.
Giáo sư Olufunmilayo I. Olopade – giám đốc Trung tâm Di truyền Ung thư Lâm sàng tại Đại học Chicago chia sẻ tại Diễn đàn. (Nguồn: SCI) |
Kể từ sau đại dịch Covid-19, sự kiện Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2023 cũng chính thức quay trở với điểm dừng chân tại thành phố Huế. Tiếp nối chủ đề “Era of Hope”, chương trình giúp mở ra niềm tin và hy vọng về những tiến bộ của y học, thông qua việc kết nối bệnh nhân Việt Nam với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành lĩnh vực ung bướu trong và ngoài nước.
Là một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về phương pháp kiểm tra di truyền và phân loại rủi ro ung thư vú dựa trên di truyền, giáo sư Olufunmilayo I. Olopade – giám đốc Trung tâm Di truyền Ung thư Lâm sàng tại Đại học Chicago chia sẻ “Hy vọng về y học chính xác là có đúng loại thuốc cho đúng người vào đúng thời điểm. Ung thư vú bộ ba âm tính không phải là phần lớn ung thư vú.
Nhưng nếu chúng ta có những loại thuốc có thể nhắm vào những di truyền bất thường trong những khối u này và khi có thể nhanh chóng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, thì chúng ta không chỉ có thể hoàn thành nghiên cứu một cách nhanh chóng mà còn có thể giúp rất nhiều phụ nữ trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận phương pháp chữa trị trong tương lai”.
Một trong những chủ đề nổi bật của diễn đàn năm nay là “Liệu pháp miễn dịch” được chia sẻ bởi bác sĩ Bác sĩ Kim-Son H. Nguyễn, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư – Đại học Stanford. Liệu pháp này đã và đang mở ra nhiều hy vọng giúp tăng tỉ lệ sống cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau, hiệu quả cả với giai đoạn muộn.
Nghiên cứu của các tác giả thuộc đại học California, Los Angeles (UCLA) trên bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển (advanced non-small cell lung cancer) cho thấy thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab đã tăng tỷ lệ sống sót trung bình 5 năm của những bệnh nhân này từ khoảng 5,5% lên đến hơn 15%.
Ngoài liệu pháp miễn dịch, sự kiện cũng khai thác những nội dung liên quan tới loại ung thư có tỉ lệ nhiễm cao ở Việt Nam như: “Y học chính xác trong điều trị và phòng chống ung thư vú & buồng trứng”, “Liệu pháp phòng ngừa & phát hiện sớm ung thư cổ tử cung”, “Những tiến bộ trong điều trị ung thư buồng trứng”, “Liệu pháp miễn dịch”, “Sàng lọc ung thư phổi”, “Chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư”, “Tác động của ô nhiễm không khí trong nhà tới sức khỏe”,…
Các nội dung trên được chia sẻ bởi các chuyên đầu ngành y tế từ Bệnh viện Trung Ương Huế: PGS.TS Phạm Nguyên Tường- Phó Giám đóc Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Huế, BS CKI Phan Thị Đỗ Quyên, Ths.BS Nguyễn Minh Hành, Ths.Bs Phạm Như Hiển; cùng các giáo sư, bác sĩ trường Đại học Chicago: Giáo sư Olufunmilayo I. Olopade – Giám đốc Trung tâm Di truyền Ung thư Lâm sàng tại Đại học Chicago, Giáo sư C. Sola Olopade – Trưởng Ban Đào tạo, Khoa Khoa học – Sinh học và Trường Y khoa Pritzker, Đại học Chicago.
Bà Hoàng Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Nguồn: SCI) |
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, qua chương trình, bệnh nhân và người nhà tham dự sẽ có thêm niềm tin cũng như kiến thức để vững vàng hơn trên hành trình không dễ dàng này.
Khoác lên mình chiếc áo blouse để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, đem lại những giá trị không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, để những chiến binh được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui khi có thể cùng với SCI lan tỏa những giá trị tốt đẹp”, bà chia sẻ thêm.
Diễn đàn năm nay có sự góp mặt của nhiều gương mặt “chiến binh K” đã kiên cường vượt qua bệnh tật, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực, niềm tin yêu, lạc quan sống, khích lệ tinh thần cho những chiến binh K mới phát hiện bệnh. Đặc biệt trong đó có những gương mặt tiêu biểu từng tham gia Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam năm 2018, nay quay lại giúp đỡ cho cộng đồng. Chương trình cũng là dịp tái ngộ của cộng đồng chiến binh trên cả nước sau 5 năm chương trình quay trở lại.
Đến với diễn đàn năm nay, chị Nguyễn Chi, bệnh nhân K phổi tại Đà Nẵng chia sẻ: “Năm 2018 là năm đầu tiên mình tham dự sự kiện này, lúc đó mình được truyền thêm sức mạnh và tinh thần bởi gặp những người đồng bệnh mà họ không hề tỏ ra yếu ớt khi nói về K, mà ngược lại mình cảm nhận được sự lạc quan và mạnh mẽ lạ lùng.
Các bệnh nhân K của SCI hội tụ tại sân bay trước khi tham gia Diễn đàn. (Nguồn: SCI) |
Tinh thần đó khiến mình thay đổi thái độ đối với quá trình điều trị, thay vì trốn tránh, mình chủ động tìm hiểu thông tin và tin rằng việc điều trị sẽ có kết quả tốt. Năm nay lí do mình quay trở lại là mình biết có những người cũng giống mình của năm 2018, mình hạnh phúc khi cho đi những điều mình đã nhận lại”.
Tại Diễn đàn năm nay, đại diện Salt Cancer Initiative (SCI) cũng sẽ chia sẻ những định hướng phát triển và các dự án mới sẽ triển khai trong tương lai. Trong 6 năm hoạt động, SCI đã thực hiện rất nhiều các dự án mang tính nghệ thuật như lớp vẽ của gió, thiền nhạc, múa chuyển động trị liệu, làm đồ handmade, trị liệu nghệ thuật… Các hoạt động này không chỉ đem tới những trải nghiệm mới, giúp giải toả cảm xúc, mà còn là một hình thức trị liệu, chữa lành tâm hồn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Dự án nghệ thuật sắp tới mang tên Love Rosie, là chương trình nằm trong chủ đề lớn nghệ thuật về ung thư (Art for cancer), hướng tới cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh ung thư, cập nhật các tiến bộ y khoa giúp mở ra hy vọng mới cho quá trình điều trị, đồng thời tạo không gian trải nghiệm, tương tác với cộng đồng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đa dạng.
“Nhận thức được giá trị của các loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ tới sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân, chúng tôi phát triển dự án “Art for cancer”, hướng tới cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh ung thư, cập nhật các tiến bộ y khoa giúp mở ra hy vọng mới cho quá trình điều trị, đồng thời tạo không gian trải nghiệm, tương tác với cộng đồng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đa dạng”, Giám đốc Điều hành SCI, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.
Salt Cancer Initiative (SCI) – Sáng kiến Ung thư Muối là một doanh nghiệp xã hội do chị Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) sáng lập, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức y khoa chuẩn xác & tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Trải qua hơn 6 năm hoạt động với tôn chỉ: “Bạn không phải chiến đấu với ung thư một mình!”, SCI đã tạo ra nhiều chương trình và hoạt động đồng hành cùng hơn 25.000 bệnh nhân ung thư, người thân và người quan tâm tới căn bệnh ung thư tại Việt Nam. Các hoạt động miễn phí định kỳ như chuỗi 9 lớp yoga tại 5 thành phố (Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng, Thái Bình), lớp vẽ, thư viện kiến thức ung thư online, hội thảo y khoa với bác sĩ… góp phần cung cấp kiến thức & kết nối bệnh nhân với cộng đồng để truyền cảm hứng sống lạc quan, tích cực hơn tới mọi người. Bên cạnh các hoạt động định kỳ, hàng năm SCI còn tổ chức các sự kiện cộng đồng quy mô lớn, quy tụ hàng trăm, hàng nghìn người tham dự như Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam, Ngày hội đi bộ “5000 Bước chân hạnh phúc”… |