Từng lạc hậu và thờ ơ với công nghệ

Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 1960 là một xã hội nông nghiệp nghèo nàn với nền khoa học, công nghệ (KH&CN) lạc hậu, sự trì trệ, các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa không thuận lợi cho phát triển KH&CN.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) èo uột với kinh phí không đáng kể, năm 1963 là 9,5 triệu USD, chủ yếu từ nguồn nhà nước cấp, nhân lực khoa học, kỹ thuật ít, ví dụ, năm 1965, ở cả khu vực công và tư ở Hàn Quốc chưa có đầy 5.000 nhà khoa học và kỹ sư, trong đó chỉ có 79 tiến sĩ.

Các cơ sở nghiên cứu chịu ảnh hưởng nặng nề của lề thói hành chính quan liêu, xa rời thực tiễn và sản xuất. Khi đó, cả nước chỉ có hai cơ quan có năng lực nghiên cứu là Viện nghiên cứu quốc phòng và Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử. Doanh nghiệp không mặn mà, xã hội thờ ơ với nghiên cứu khoa học xem như thứ “vô thưởng vô phạt”.

Song chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã “hóa rồng” để trở thành một nền kinh tế phát triển, công nghệ cao với lực lượng lao động lành nghề, trình độ cao, tỷ lệ nhập học đại học gần 74% năm 2022,  đầu tư cho R&D tăng từ là 9,5 triệu USD năm 1963 lên tới 80 tỷ USD năm 2021, chiếm tỷ lệ 4,9%/GDP, cao thứ hai thế giới chỉ sau Israel, số cán bộ nghiên cứu từ 5.000 người năm 1965 lên tới 747.288 người năm 2021 với tỷ lệ 16 người trên 1000 dân, tỷ lệ cao nhất thế giới.

Nhờ đó, quy mô nền kinh tế tăng từ 4 tỷ USD năm 1960 lên tới 1.800 tỷ USD năm 2021, thuộc top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 94 USD năm 1961 lên tới 35.000 USD năm 2021.

Thật khó phủ nhận con rồng Hàn Quốc với trụ cột là các chaebol hùng mạnh điển hình như Samsung Electronics, LG, tạo ra các sản phẩm và công nghệ đột phá, giữ vị thế dẫn đầu trong ngành, củng cố khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Các chaebol Hàn Quốc với công nghệ tiên tiến, nguồn tài chính dồi dào, quyền sở hữu gia đình cùng sự chống lưng, hỗ trợ đắc lực của chính phủ đã và đang “bành tiến” mạnh mẽ ra toàn cầu, lấn át và vượt qua nhiều đối thủ công nghệ sừng sỏ, thậm chí còn làm lung lay vị thế của các tên tuổi công nghệ hàng đầu của Mỹ. Đặc biệt, các chaebol Hàn Quốc còn biến không ít quốc gia kém phát triển hơn trở thành “sân sau” kinh tế của mình…

Vậy làm thế nào mà Hàn Quốc đạt được sự thành công rực rỡ, trở nên lợi hại như vậy?

Hiện thực giấc mơ đại Hàn

Đây là “mảnh ghép” tiên quyết, thiết yếu nhất bởi lẽ thiếu mảnh ghép này thì chẳng có phép màu nào xuất hiện. Hàn Quốc thật may mắn bởi có các nhà lãnh đạo đất nước tầm cỡ với tầm nhìn xa trông rộng, tận tâm tận lực vì sự phát triển của đất nước, điển hình là Tổng thống Park Chung hee lãnh đạo đất nước từ năm 1961.

Với tầm nhìn rất sáng suốt rằng KH&CN không chỉ thuần túy là công cụ, phương tiện phát triển kinh tế mà còn là trung tâm của sự tiến bộ, hiện đại hóa văn hóa, xã hội Hàn Quốc, ông dành nhiều ưu tiên cho phát triển KH&CN với một bản lĩnh hơn người, một quyết tâm sắt đá để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN.

Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hóa, tập trung chiến lược phát triển kinh tế với trụ cột là các chaebol. Do vậy, thay vì bỏ tù các lãnh đạo chaebol vì tội lũng đoạn kinh tế đất nước, ông thương lượng với họ, sẵn sàng tha bổng để họ cùng ông hiện thực hóa “Giấc mơ Đại Hàn”.

Các chaebol là quân bài chiến lược, là cánh tay nối dài để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN. Bởi vậy, ông thực hiện các chính sách bảo hộ cạnh tranh, hỗ trợ tài chính, chính sách phát triển công nghiệp thân công nghệ,… để tạo đà và động lực thúc đẩy các chaebol không ngừng cải thiện năng lực công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, trong suốt gần 20 năm cầm quyền, ông cho thành lập mới một số Viện nghiên cứu trọng điểm hoạt động với cơ chế đặc thù giúp ông hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN, điển hình là Viện KH&CN Hàn Quốc thành lập năm 1966, Viện KH&CN tiên tiến Hàn Quốc thành lập năm 1971…

Viện KH&CN Hàn Quốc là “con cưng” được ông bảo trợ để tập trung thực hiện hai chức năng cơ bản là nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà các doanh nghiệp cần và xây dựng phương thức giáo dục mới chú trọng ứng dụng lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, phát triển đất nước…

Hàn Quốc đã “hóa rồng” để trở thành một nền kinh tế phát triển

Ông trực tiếp lựa chọn Viện trưởng, bảo đảm đầy đủ và ổn định nguồn tài chính mà không kèm theo bất cứ một ràng buộc nào về kiểm soát quản trị hay bất cứ sự can thiệp nào về hoạt động điều hành, nghiên cứu…

Đây cũng là nơi đầu tiên thực hiện chính sách đột phá trong chiêu mộ nhân tài Hàn kiều là các chuyên gia, nhà khoa học với chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn, quyền cao chức trọng, môi trường và điều kiện làm việc tuyệt vời để họ toàn tâm toàn ý phát huy hết tài năng, sở trường, cống hiến hết mình để cải thiện năng lực KH&CN của Hàn Quốc.

Ông cho triển khai, phát động hàng loạt phong trào và chiến dịch quy mô toàn quốc nhằm thay đổi nhận thức xã hội về KH&CN, xây dựng văn hóa tôn trọng và yêu quý KH&CN. Các bộ, ngành đều triển khai thực hiện các chương trình để thúc đẩy học nghề khoa học và kỹ thuật, thậm chí cả tù nhân sắp mãn hạn tù cũng được đào tạo kỹ thuật trong các chương trình tái hoà nhập xã hội.

Đặc biệt, ông vượt lên sự hận thù dân tộc, sẵn sàng đối mặt với sự giận dữ, phản ứng dữ dội của dân chúng để bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào năm 1965, mời gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Là người từng phục vụ trong quân đội Nhật, ông thừa hiểu trình độ và sức mạnh to lớn của người Nhật về KH&CN; là nhà lãnh đạo đất nước ông quá hiểu Hàn Quốc cần công nghệ và đầu tư của Nhật Bản thế nào để phát triển.

Kết quả là, sau gần 20 năm lãnh đạo đất nước, ông đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và tạo tiền đề vững chắc cho đất nước phát triển thịnh vượng trên nền tảng KH&CN.

Sự kiên định qua các thế hệ lãnh đạo

Cuối thập kỷ 1990, Hàn Quốc đứng trước thử thách đầy cam go, KH&CN dường như đã đánh mất quyền năng trước khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. KH&CN vốn được xem là động lực phát triển lại là lĩnh vực đầu tiên bị cắt giảm khiến niềm tin rằng các ngành công nghiệp và nền kinh tế tự động phát triển nếu KH&CN phát triển đã trở nên không đáng tin cậy. Sự cắt giảm đột ngột với số lượng lớn dẫn đến cuộc “khủng hoảng khoa học tự nhiên và kỹ thuật”.

Tổng thống Kim Dae-jung nhậm chức năm 1998 với niềm tin sâu sắc rằng công nghệ thông tin sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới đã xác định thúc đẩy ngành công nghệ thông tin là một trong hai động lực chính cho tương lai. Do vậy, đã có “cú hích” mạnh mẽ nhằm tạo đà cho ngành công nghệ thông tin Hàn Quốc phát triển bứt phá.

Đúng là trong nguy có cơ, chỉ một thời gian sau ngành công nghệ thông tin có sự phát triển mạnh mẽ giúp hồi sinh nền kinh tế Hàn Quốc, sự sụt giảm của đồng won tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc dễ dàng gia tăng quy mô xuất khẩu đúng vào thời điểm cuộc cách mạng điện tử công nghệ bùng nổ trên toàn cầu.

Hiện nay, trong cuộc đua tranh khốc liệt “người thắng cuộc được tất cả”, giành được vị thế dẫn đầu về công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa những quyết sách lớn và chi bạo tay với khoản đầu tư trị giá 131 tỷ USD được thực hiện từ năm 2023, tập trung ưu tiên vào ba công nghệ cốt lõi là chất bán dẫn, màn hình và pin thế hệ tiếp theo, nhằm đưa Hàn Quốc gia nhập top 5 nước đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật vào năm 2030.

Kì tới: Tinh thần ‘kinh doanh báo quốc’ của các lãnh đạo chaebol

Phạm Mạnh Hùng