Nhân dịp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 – 29/8, phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp làm việc tại Viện ISEAS – Yusof Ishak Singapore về ý nghĩa chuyến thăm này, cũng như những nét nổi bật trong quan hệ hai nước thời gian gần đây.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp. Ảnh: Thế Vũ/TTXVN
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Việt Nam và Singapore hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư tới ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo hai nước thường xuyên tiến hành các chuyến thăm song phương là điều dễ hiểu và là một xu hướng tích cực.
Ngoài mục đích đáp lễ theo thông lệ ngoại giao, chuyến thăm còn góp phần tăng cường quan hệ song phương, nâng cao sự tin cậy chiến lược giữa giới lãnh đạo hai nước, đồng thời góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận đã có và ký kết các thỏa thuận mới, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, tất cả những hoạt động này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược song phương và góp phần giúp hai nước đạt được các mục tiêu về ngoại giao, chiến lược cũng như các mục tiêu đối nội, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng quan hệ song phương Việt Nam – Singapore thời gian qua nhìn chung phát triển khá toàn diện, bao trùm các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, chiến lược, tới thương mại, đầu tư. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hai bên cũng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo.
Ông đánh giá trong các lĩnh vực trên, một điểm sáng nổi bật là quan hệ đầu tư song phương, đặc biệt là đầu tư của Singapore vào Việt Nam. Trong những năm gần đây, Singapore luôn là nước có số vốn đầu tư đăng ký lớn nhất vào Việt Nam. Ngay trong 7 tháng đầu năm nay, trong số 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỉ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo Tiến sĩ, ngoài nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn của Singapore như Capitaland, Sembcorp, hay Mappletree, Singapore còn đóng vai trò như một cửa ngõ mang nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, khi rất nhiều công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam thông qua các pháp nhân được thành lập ở Singapore. Singapore cũng là cửa ngõ cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hay bước ra thị trường quốc tế, tiêu biểu như trường hợp của công ty sản xuất xe điện VinFast.
Ông khuyến nghị trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống đã được thực hiện tốt thời gian qua, ví dụ như các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, hay thương mại, đầu tư. Mặt khác, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, như chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Đây là những lĩnh vực tiềm năng, có dư địa hợp tác lớn, đồng thời đáp ứng được các mục tiêu phát triển của hai nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết trong lĩnh vực kinh tế xanh và chống biến đổi khí hậu, hai nước đang thảo luận về việc phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và xuất khẩu điện từ các trang trại điện gió này sang Singapore. Theo ông, những dự án như vậy vừa giúp hai nước hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong tương lai, đồng thời giúp Việt Nam khai thác tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, ông cho rằng với việc hai bên chia sẻ các tầm nhìn chiến lược về tình hình an ninh khu vực và quốc tế, hai bên cũng có thể cân nhắc làm sâu sắc hơn hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Ngoài ra, hai bên cũng có thể tăng cường tham vấn và phối hợp lập trường trong các diễn đàn quốc tế để bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia của mình và đóng góp vào việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, có lợi cho an ninh và thịnh vượng của hai nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam và Singapore có tư duy chiến lược khá gần gũi. Đặc biệt, cả hai nước đều nhấn mạnh vai trò của một chiến lược ngoại giao cân bằng, sự tự chủ chiến lược, vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế, cũng như sự cần thiết phải duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông cho rằng cả hai nước cũng chia sẻ tầm nhìn về một ASEAN đoàn kết, gắn bó, đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực. Tất cả những điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hai nước tham vấn, phối hợp quan điểm, lập trường về các vấn đề chung hai bên cùng quan tâm.
Theo ông, trước mắt, hai bên cần phối hợp quan điểm để giải quyết tốt các vấn đề cơ bản liên quan trực tiếp đến lợi ích song phương như Biển Đông hay quản lý nguồn nước sông Mekong. Ngoài ra, các vấn đề khác như xử lý khủng hoảng chính trị ở Myanmar hay quản lý quan hệ của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc cũng là những vấn đề quan trọng mà hai nước cần phối hợp để góp phần định hình phản ứng chung hiệu quả của toàn khối ASEAN.
Ông nhấn mạnh các hoạt động phối hợp như vậy cũng sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước, qua đó giúp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương về lâu dài.