Kể từ khi Concorde – máy bay chở khách siêu thanh thương mại thành công nhất, bị dừng hoạt động năm 2003, việc bay nhanh qua Đại Tây Dương đã trở thành quá khứ. Các chuyến bay giữa London và New York thường mất khoảng 8 giờ.
Nhưng giờ đây, ý tưởng về du hành siêu âm lại được đưa ra tranh luận bởi NASA, cơ quan này tính toán rằng chuyến bay New York-London có thể chỉ mất 90 phút trong tương lai.
Cơ quan vũ trụ đã xác nhận trong một bài đăng trên blog về “chiến lược tốc độ cao” của mình rằng gần đây họ đã nghiên cứu liệu các chuyến bay thương mại với tốc độ Mach 4 – hơn 3.000 dặm một giờ (1 dặm tương đương khoảng 1.6 km) – có thể cất cánh trong tương lai hay không.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA cho thấy hiện đã có “thị trường hành khách tiềm năng với khoảng 50 tuyến bay đã thiết lập”. Các tuyến bay này bị giới hạn trong các hành trình xuyên đại dương, bao gồm cả Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, bởi vì các quốc gia bao gồm cả Mỹ cấm các chuyến bay siêu thanh trên đất liền.
Tuy nhiên, NASA đang phát triển máy bay siêu âm “yên tĩnh”, được gọi là X-59, như một phần của sứ mệnh có tên là Quest. Cơ quan này hy vọng rằng máy bay mới cuối cùng có thể nhanh chóng sửa đổi các quy tắc này, với máy bay bay ở tốc độ Mach 2 và Mach 4 (1.535 – 3.045 dặm một giờ).
Tốc độ tối đa của Concorde là Mach 2,04, hay 1.354 dặm một giờ. Một chiếc máy bay phản lực di chuyển với tốc độ Mach 4 có khả năng thực hiện chuyến vượt Đại Tây Dương chỉ trong 90 phút.
Theo Lori Ozoroski, Giám đốc dự án Dự án Công nghệ Siêu âm Thương mại của NASA, các nghiên cứu tương tự như những nghiên cứu được thực hiện cách đây một thập kỷ đã định hình sự phát triển của máy bay siêu thanh X-59.
Mary Jo Long-Davis, giám đốc Dự án Công nghệ Siêu thanh của NASA, cho biết giai đoạn tiếp theo cũng sẽ xem xét “các cân nhắc về an toàn, hiệu quả, kinh tế và xã hội”, đồng thời nói thêm rằng “điều quan trọng là phải đổi mới một cách có trách nhiệm”.
Vào tháng 7, Lockheed Martin đã hoàn thành việc chế tạo máy bay thử nghiệm X-59 của NASA, nó được thiết kế để giảm tối đa tiếng ồn khi di chuyển tốc độ siêu cao, với hy vọng biến chuyến bay siêu thanh trên đất liền trở thành hiện thực.
Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được lên kế hoạch vào cuối năm nay. NASA đặt mục tiêu có đủ dữ liệu để bàn giao cho cơ quan quản lý Mỹ vào năm 2027.
Mai Vân (theo CNN)