Một tour đi Bangkok (Thái Lan) 5 ngày 4 đêm có giá khoảng 6-6,8 triệu đồng mỗi người và thường đi kèm bốn hoặc năm điểm mua sắm.
Hoàng Anh, du khách Hà Nội, cùng gia đình mua một tour Bangkok hồi tháng 7 với giá 6,5 triệu đồng mỗi người. Các điểm tham quan trong tour tương đối đầy đủ khi đoàn của Hoàng Anh được đưa đến các khu chợ đêm, đền chùa nổi tiếng. Tuy nhiên, Hoàng Anh hơi khó chịu vì trong 5 ngày đi tour, cô phải đến ít nhất bốn điểm mua sắm như đá quý, thuốc rắn, gối cao su non hay siêu thị. Cô nghĩ nếu được bỏ các đi điểm mua sắm, chuyến đi sẽ thú vị hơn nhiều.
Theo ông Tùng, quản lý của một công ty lữ hành chuyên tour nước ngoài, mong muốn của nữ du khách có thể thực hiện nhưng cô cần chi nhiều tiền hơn. Ông Tùng nói các điểm mua sắm là một phần không thể thiếu để tạo nên sản phẩm tour nước ngoài, bất kể châu Á hay châu Âu. Với tour 10 ngày đi châu Âu, du khách phải ghé thăm 5-7 điểm mua sắm bắt buộc.
Theo ông Tùng, loại tour “du lịch kết hợp mua sắm” này đang được áp dụng với 90% tour nước ngoài hiện nay. Các điểm mua sắm hỗ trợ một phần tiền mua tour của du khách, giúp giảm chi phí tour. Không có con số cụ thể về mức giảm mà tùy thuộc vào landtour (đối tác của công ty lữ hành tại nước sở tại) và điểm mua sắm. Đơn vị landtour sẽ bán dịch vụ cho nhiều công ty tại Việt Nam, từ đó ước tính ra lượng khách để làm việc với điểm mua sắm. Phía điểm mua sắm sẽ dựa trên số lượng khách landtour có thể cung cấp để giảm giá. Cuối cùng, landtour báo lại mức giá giảm cho công ty du lịch để hoàn tất bước ghép các dịch vụ còn lại như vé máy bay, hướng dẫn viên Việt Nam, tạo thành sản phẩm cuối cùng.
Ông Tùng cho biết có nhiều ví dụ để thấy rõ tầm quan trọng của những điểm mua sắm này. Nếu đi du lịch Thái Lan tự túc trong vòng 5 ngày 4 đêm, một người có thể tốn khoảng 10 triệu đồng. Thời điểm Thái Lan mới mở cửa lại sau dịch, các điểm mua sắm chưa mở trở lại, giá một tour đi từ Hà Nội có thể lên tới gần 13 triệu đồng.
“Landtour là một phần không thể thiếu trong các tour nước ngoài. Du khách muốn bỏ cũng được nhưng phải chịu chi tiền cao hơn”, ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Tràng An Travel, cho rằng đa phần khách Việt vẫn hài lòng với các điểm mua sắm trong tour nước ngoài. Một trong những sản phẩm được thích nhất là thực phẩm chức năng, dù đi Thái Lan hay châu Âu. Ngoài ra, sản phẩm từ sâm cũng đắt khách và là món quà được nhiều người chọn khi đi Hàn Quốc.
Theo ông Tùng, ở nhiều nước, thu hút khách mua sắm không đơn thuần là chuyện “dồn khách vào một cửa hàng”. Các điểm mua sắm biết bán câu chuyện, biến buổi mua sắm giống như một buổi trình diễn nghệ thuật. Ví dụ, tại một cửa hàng đá quý ở Thái Lan, du khách được xem các nghệ nhân nói về đá quý, lịch sử hình thành và kể những câu chuyện thú vị xung quanh. Do đó, đa số vẫn hài lòng khi ra về, dù có mua hàng hay không.
Tại Việt Nam, các công ty lữ hành kinh doanh mảng inbound (đón khách quốc tế) không có sự liên kết nhiều với những điểm mua sắm. Nếu một đoàn khách nước ngoài phải dừng chân ở một điểm mua sắm, đó là do tài xế hoặc hướng dẫn viên chủ động đưa khách tới để nhận tiền hoa hồng.
Theo ông Cường, giá tour trọn gói hay chi phí sinh hoạt cá nhân ở Việt Nam không cao so với chi tiêu của khách phương Tây. Vì thế, nhóm này không có nhu cầu phải vào các điểm mua sắm để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, các mặt hàng tại Việt Nam chưa đặc sắc, khách Tây ít mua nên doanh thu không đủ bù tiền hỗ trợ nếu cửa hàng liên kết với công ty du lịch.
Ông Văn Hùng, điều hành một doanh nghiệp nhỏ chuyên dòng khách Malaysia, Singapore, Hongkong (Trung Quốc) và Philippines, cho biết hình thức tour shopping ở Việt Nam có nhưng “không lành mạnh”. Điển hình cho dòng sản phẩm này là tour 0 đồng dành cho khách Trung Quốc từng gây tranh cãi trước kia.
“Đa số khách nước ngoài đều không thích mua sắm khi mua tour Việt Nam. Họ muốn dành thời gian trải nghiệm, tham quan và không quan tâm đến việc giảm giá”, ông Hùng nói.
Tú Nguyễn