Một bộ trưởng gần gũi
Không quan cách, cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân rất gần gũi với cấp dưới, luôn luôn tôn trọng ý kiến và lắng nghe. Một cán bộ có nhiều năm làm việc dưới 6 đời bộ trưởng đã nhận xét về GS Trần Hồng Quân như vậy.
Năm 1994, tôi có việc lên phòng làm việc của Bộ trưởng Trần Hồng Quân xin chữ ký. Trước đó tôi chưa bao giờ được gặp GS Trần Hồng Quân nhưng tôi đành “bạo gan” đến gặp vì nếu không có chữ ký của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ thì tôi không thể bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong tháng 10 để sau đó qua Singapore theo học một khóa học ngắn hạn về quản lý chất lượng tổng thể.
Tôi cứ nghĩ thế nào ông cũng bực mình, nhưng việc của mình thì cũng không thể chờ nên tôi đánh liều gặp. Tôi chờ trước cửa phòng làm việc của ông vì thư ký nói ông chỉ về nghỉ trưa và tranh thủ ký một số văn bản rồi chiều lại đi họp Quốc hội tiếp. May mắn khoảng gần 12 giờ thì tôi thấy ông về, tôi nói ngắn gọn về yêu cầu của mình, ông bảo sao không để các bạn văn phòng trình, nói vậy nhưng ông vẫn ký.
Tháng 5 vừa rồi, khi đi cùng nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung thăm ông, tôi có nhắc lại chuyện này, ông cười nhẹ bảo ông không nhớ có chuyện đó.
Góp công đầu cho đổi mới giáo dục
Hết vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Trần Hồng Quân chuyển sang ban tuyên giáo, rồi nghỉ hưu, tôi lại có dịp gặp gỡ ông ở các hội nghị, hội thảo của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, sau này là Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Trong những lần đó, tôi thấy ông kêu gọi mọi người viết bài, rồi chỉ đạo việc biên tập, lựa chọn địa điểm tổ chức hội thảo, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho anh em đến dự…
Ngoài những lần gặp gỡ có tính chất công việc, tôi còn được gặp ông ở những cuộc gặp có tính chất bạn bè. Đó là nhóm những người quan tâm đến giáo dục ở TP.HCM do ông đứng đầu.
GS Trần Hồng Quân và bạn bè lập một nhóm những người quan tâm đến giáo dục. Nhóm khoảng gần 30 người –gồm những người quan tâm đến giáo dục là một số nhà quản lý giáo dục cấp cao như nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Tấn Phát; TS Vũ Ngọc Hoàng; GS Lương Ngọc Toản; GS Trần Xuân Nhĩ; một số người có thời gian làm việc lâu dài trong lĩnh vực giáo dục như GS Lý Hòa, GS Nguyễn Thế Hữu, TS Hồ Thiệu Hùng, TS Huỳnh Công Minh; một số trí thức am hiểu về giáo dục như GS Phạm Phụ, GS Hồ Sỹ Thoảng, GS Nguyễn Thiện Tống, GS Trần Hữu Tá, thầy Trần Chút; một số trí thức từ nước ngoài về hoặc làm việc cho các tổ chức giáo dục ở nước ngoài như TS Trần Cảnh, TS Trần Xuân Thảo…
Tôi tham gia nhóm vào năm 2015, khi đó thầy cho gặp tôi đề nghị tôi tham gia nhóm với lý do nhóm lúc này cũng cần “người trẻ” để cùng nhau duy trì sinh hoạt của câu lạc bộ không tên này. Hoạt động của nhóm là tự nguyện, mọi người góp kinh phí, khi có một vấn đề gì đó cần thảo luận, GS Trần Hồng Quân cùng với GS Nguyễn Thế Hữu thông báo với cả nhóm về chủ đề sẽ thảo luận.
Không ở đâu khi có điều kiện mà GS Trần Hồng Quân không nói về giáo dục nước nhà một cách say mê. Ông là những người góp công đầu cho đổi mới giáo dục từ năm 1987- hội nghị đầu tiên ở Nha Trang, mở đầu cho đổi mới giáo dục.
Giờ đây giáo dục nước nhà đã phát triển, những thay đổi về phát triển giáo dục ngoài công lập hiện đã có những thành tựu nhất định mà ông là một trong những người đi tiên phong, một người kiên định đi theo nó vì chất lượng giáo dục đại học là điều ông quan tâm suốt cả cuộc đời mình.
Sẽ không còn được nghe những điều tâm huyết với giọng nói khan và nụ cười luôn nở trên môi. GS Trần Hồng Quân ra đi nhưng ông vẫn sẽ mãi ở lại với các thế hệ làm giáo dục chúng tôi.