Tham dự buổi Hội đàm, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Môi trường; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Văn phòng Bộ.
Về phía Nhật Bản có sự tham dự của Ông YAMADA Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Môi trường Nhật Bản.
Trân trọng chào đón đoàn công tác của Bộ Môi trường Nhật Bản tới thăm và làm việc với Bộ TN&MT Việt Nam, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản có mối gắn kết chặt chẽ. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ giữa hai nước có nhiều điểm sáng, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro bày tỏ, Nhật Bản luôn đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Khơi mở dư địa hợp tác giữa hai đất nước nói chung và hai Bộ nói riêng, Bộ trưởng Nishimura Akihiro thông tin, Nhật Bản đã xây dựng Chương trình Chiến lược về Khí hậu và Môi trường ASEAN (SPACE). Đây là sáng kiến mà Nhật Bản muốn đưa vào trong Báo cáo Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản vào tháng 9 tới, và Nhật Bản rất mong Việt Nam sẽ ủng hộ đề xuất này.
Bàn về các vấn đề môi trường cụ thể, ông Nishimura Akihiro đặc biệt chú trọng đến hợp tác về rác thải nhựa đại dương, bởi những tác động lớn tới môi trường và sức khỏe con người. “Dự tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, đến năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cả cá. Rác nhựa khi phân rã sẽ trở thành vi nhựa, đi vào cơ thể các loài sinh biển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người khi chúng ta tiêu thụ” – ông Nishimura Akihiro nói.
Tìm biện pháp để giải quyết rác thải nhựa đại dương, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản đề xuất phối hợp cùng Việt Nam khảo sát, quan trắc rác nhựa đại dương, từ đó lập Sổ tay hướng dẫn nâng cao kỹ thuật quan trắc, khảo sát và mời chuyên gia Việt Nam sang Nhật Bản tập huấn về công nghệ này.
Bên cạnh đó, đối với rác thải từ đất liền, đặc biệt là rác thải điện tử, Bộ trưởng Nishimura Akihiro cho hay, Nhật Bản cũng có kinh nghiệm trong công tác xử lý giúp “hoàn nguyên lại tài nguyên”. “Chúng ta thường nghĩ, mỏ tài nguyên nằm ở các vùng miền núi, nhưng chúng tôi lại thấy: mỏ nằm ngay tại các đô thị, bởi rác chúng ta bỏ đi chính là những mỏ tài nguyên nếu biết khai thác, tận dụng” – Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản giải thích.
Thống nhất với các ý kiến của Bộ trưởng Nishimura Akihiro, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ, để chống lại rác thải nhựa đại dương, cần quan trắc lượng rác thải ra và trôi nổi ngoài biển, có biện pháp phân loại, thu gom và xử lý rác nhựa. Đồng thời, hai bên có thể tính tới việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi công cụ, vật dụng bằng nhựa sang các vật dụng thân thiện và bền vững hơn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đánh giá cao ý tưởng “hoàn nguyên lại tài nguyên”, bởi đây chính là thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trao đổi về hợp tác trong ứng phó BĐKH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của BĐKH của Việt Nam là sạt lở ở miền núi phía Bắc, biến động địa chất ở Tây Nguyên hay sạt lở sông, biển ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định Việt Nam luôn tiên phong trong việc ứng phó với BĐKH và với minh chứng là Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đã và đang cùng nước phát triển thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… Nhân dịp này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Nishimura Akihiro tiếp tục quan tâm chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giúp Việt Nam nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Nishimura Akihiro cho rằng, để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, các nước cần thực thi Điều 6 của Thỏa thuận Paris về BĐKH. Theo đó, cần tăng cường phát triển thị trường carbon toàn cầu, thu hút đầu tư tư nhân để đóng góp vào sự tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới…
Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng năng lực của các bên liên quan. Tại COP27, Nhật Bản đã xây dựng “Đối tác thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris về BĐKH, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia (bao gồm các nước ASEAN). Nhật Bản rất mong muốn Việt Nam tham gia vào “Đối tác thực hiện Điều 6” này.
Trân trọng cảm ơn Bộ Môi trường Nhật Bản đã gửi lời mời Việt Nam tham gia “Đối tác thực hiện Điều 6”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Việt Nam cần xây dựng các quy tắc, thủ tục hướng dẫn và quy định cụ thể cách thức triển khai Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Các quy định này cùng với các văn bản về quản lý, kinh doanh tín chí carbon là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành khác phải sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc tham gia Đối tác này sẽ giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam, xác định nhu cầu về hỗ trợ, xây dựng các quy trình và thủ tục cần thiết và tạo nền tảng cho nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris.
*Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro đã ký kết Ý định thư hợp tác trong lĩnh vực quản lý rác thải biển.
Các hoạt động sẽ bao gồm trong khuôn khổ hợp tác như sau:
1. Cùng hợp tác triển khai các dự án thí điểm/nghiên cứu về rác thải biển tại Việt Nam;
2. Tổ chức các khóa đào tạo/hội thảo cho các thành viên của Việt Nam để tăng cường năng lực về quản lý rác thải biển bao gồm quan trắc và xử lý;
3. Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa Nhật Bản và Việt Nam để xây dựng sổ tay và/hoặc sách hướng dẫn liên quan đến quản lý rác thải biển;
4. Hợp tác trong các diễn đàn đa phương về vấn đề rác thải nhựa bao gồm Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) của Nghị quyết 5/14 của UNEA với chủ đề “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế”;
5. Chia sẻ dữ liệu quan trắc rác thải biển bao gồm cả vi nhựa được thu thập và/hoặc đã được công bố bao gồm cả dữ liệu chi tiết;
6. Các lĩnh vực hợp tác khác liên quan và có sự quan tâm và thống nhất của mỗi bên./.