Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2023, FDI vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề.
Với việc gia tăng nguồn vốn từ nước ngoài, nhu cầu bất động sản công nghiệp cũng tăng mạnh. Theo báo cáo quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp có nhu cầu tăng nhẹ tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng. Lực cầu này được cho là đến từ việc ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Lực cầu tăng cao còn thể hiện từ tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước, đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý II/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 – 7% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Gertek, Luxshare… trong những năm trở lại đây với các dự án tỷ đô đã đưa vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày một lên cao. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại, khi các “ông lớn” ngày càng muốn đa dạng hóa kinh doanh hoặc phân bổ rộng rãi hệ thống sản xuất ra nhiều thị trường khác nhau để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn nước ngoài so với một số nước trong khu vực. Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 năm 2023 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đã nhấn mạnh về những lợi thế này.
Cụ thể, trong thời gian qua Việt Nam đã tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.100 USD.
Lợi thế tiếp theo đó chính là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong những năm trở lại đây vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA… Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Về nguồn nhân lực và thị trường nội địa, Việt Nam đang có gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những lợi thế vốn có nhằm đón đầu những đối tác mới với dòng tiền khổng lồ từ nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới; Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ…) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 – 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030.
Từ đó phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Với mục tiêu đó, việc đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp đón đầu các nguồn đầu tư là một điều hết sức cần thiết.
Cũng tại diễn đàn này, ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Vietnam nhận định, Việt Nam đang nổi lên địa phương mới trong việc phát triển, thu hút công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện sự chuyển dịch các dự án cấp thấp tới các địa bàn công nghiệp mới để hưởng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có xu hướng thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đón đầu sự chuyển dịch của các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp này, yêu cầu là có nhà máy, cơ sở thật nhanh để lập tức nhận đơn hàng và sản xuất.
Nhiều thông tin cũng cho thấy, một số nhà đầu tư vốn ngoại đã bắt đầu tiến hành “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Vì vậy kỳ vọng trong thời gian tới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt là vào giai đoạn cuối năm 2023.
Trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.