Chính thức mở chi nhánh tại thị trường Việt Nam vào tháng 8.2022, cuối tháng 5 vừa qua, với phương án được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, KBank Chi nhánh TP.HCM đã tăng vốn điều lệ từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD, tức tăng hơn 2,5 lần.
Người đứng đầu nhà băng này cũng cho hay, với quyết tâm thâm nhập thị trường Việt Nam, KBank dự kiến tăng khoản đầu tư từ 285 triệu USD vào năm 2023 lên 735 triệu USD vào năm 2027. Lực lượng nhân sự tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng trưởng từ 350 nhân viên vào năm 2023 lên 1.700 nhân viên vào năm 2027.
Bên cạnh đó, ứng dụng KPLUS của KBank “chào sân” Việt Nam chỉ 1 năm nhưng đã ghi nhận 760.000 người dùng. Con số này vẫn tiếp tục tăng, thúc đẩy khát vọng của ngân hàng hướng đến mục tiêu 1,3 triệu người dùng vào cuối năm nay và hướng đến mục tiêu đạt 8,4 triệu người dùng vào năm 2027.
Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên vì sao KBank theo đuổi cơ hội tại Việt Nam, ông Pipit Aneaknithi cho biết, lý do bởi Việt Nam có sự phát triển vượt bậc thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP cao liên tục trong một thập kỷ qua, Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực. Ước tính đến năm 2023, Việt Nam sẽ xếp thứ 30 toàn cầu về GDP. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động đang định hình đáng kể xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn.
Ông Chat Luangarpa, Phó chủ tịch điều hành KBank – người lèo lái chiến lược mở rộng khu vực của KBank, chia sẻ thêm: “Năm 2013, khi đến Việt Nam du lịch, tôi đi khắp từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM… và cảm thấy rất hào hứng về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Năm 2015, khi KBank mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, tôi đến Việt Nam thường xuyên và mỗi lần đến đều thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó, ngân hàng chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường quan trọng trong khối Asean. Đây là cơ hội để chúng tôi có thể hỗ trợ, đồng hành cùng với sự phát triển của Việt Nam, với trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”.
Ông Chat Luangarpa cho biết, tại Việt Nam, doanh nghiệp SME chiếm hơn 97% tổng số các doanh nghiệp nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng. KBank đã nghiên cứu thị trường về nhu cầu vốn của phân khúc thị trường này để tiến hành xây dựng kênh hỗ trợ online dành cho các doanh nghiệp SME trong những tháng tới. “Các doanh nghiệp SME và cả những hộ kinh doanh trực tuyến có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay thông qua nền tảng số mà không cần phải tới trực tiếp chi nhánh ngân hàng. KBank dự kiến mở rộng danh mục cho vay dưới hình thức này lên mức khoảng 40 triệu USD vào cuối năm nay” – Phó chủ tịch điều hành KBank thông tin.
Lãnh đạo KBank cũng đề cập đến việc sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc những người chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. “Chúng tôi tập trung phục vụ tất cả nhóm khách hàng tại Việt Nam từ doanh nghiệp, SME và khách hàng cá nhân bằng cách trao quyền để họ có thể nắm bắt cơ hội kinh tế thông qua hỗ trợ tài chính lẫn phi tài chính”, ông Chat Luangarpa cho biết.
Ngoài ra, lãnh đạo KBank cũng dành sự quan tâm mở rộng dịch vụ tài chính đến khu vực nông thôn, nơi vẫn còn bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu so với thành thị, nhằm góp phần vào sự tăng trưởng đồng đều.
Bước tiến của KBank vào Việt Nam không chỉ đơn thuần là sự mở rộng về mặt địa lý, mà xa hơn là minh chứng cho cam kết đổi mới, phát triển toàn diện và dịch vụ vượt trội, lãnh đạo KBank chia sẻ.