Các địa phương nào đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD sau 7 tháng năm 2023? Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp phục hồi mở lối cho dòng vốn đầu tư mới |
Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh luôn là các địa phương dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP. Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD; Bắc Ninh đạt 42,5 tỷ USD, duy trì vị trí thứ hai cả nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn có những biến động thì kết quả này cho thấy với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Ninh đạt 20,6 tỷ USD (Ảnh minh họa) |
Cùng với xuất khẩu, tháng 7 cũng là tháng thứ 5 liên tiếp sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đạt mức tăng so với tháng trước và là tháng có mức tăng cao nhất (+23,84%).
Trong đó đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có mức tăng cao hơn mức tăng chung (+28,69%) so với tháng trước và là tháng đầu tiên ngành này đạt mức tăng nhẹ (+0,32%) so với cùng tháng năm trước (6 tháng trước đó đều bị giảm).
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng vốn đăng ký đều tăng ở cả 2 gốc so sánh tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2023, cả 3 chỉ tiêu: Số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký và vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới đều tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là (+32,7%), (+71,2%) và (+29,1%), cho thấy tín hiệu tích cực, tinh thần khởi nghiệp của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh đã mở lối cho dòng vốn đầu tư mới vào Bắc Ninh tăng cao.
Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho thấy: Riêng trong tháng 7/2023, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 43 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 198,37 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 14 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 27,09 triệu USD; 11 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 6,63 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,3 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Bắc Ninh đã cấp mới cho 182 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 768,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 88 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 352,47 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho 33 lượt với giá trị là 16,47 triệu USD; thu hồi 26 dự án, với tổng vốn đầu tư 62,83 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.975 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24.441,927 triệu USD.
Những kết quả này phản ánh sự nỗ lực rất lớn của địa phương cũng như doanh nghiệp. Điều này giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi kinh doanh tại Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song thời gian tới, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ…
Theo Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Bắc Ninh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,5-7,0% so với năm 2022; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 93,3 tỷ USD, tăng 1,7%… |