Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã có đóng góp như thế nào trong việc tạo hành lang bảo vệ an ninh nguồn nước và thực trạng về công tác quản lý bảo vệ lòng, bờ, bãi sông hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Hồng Hiếu: Hiện nay, vấn đề bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tuy nhiên ở một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa thực sự được chú trọng. Đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa… cũng đã và đang ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng…
Mặt khác, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Các hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm dòng chảy và phù sa vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước.
Liên quan đến công tác quản lý các hoạt động trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có các quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 30, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 31 và quy định về phòng, chống sạt, lở bờ bãi sông tại Điều 63, ngoài ra còn có các văn bản dưới Luật như Nghị định số 43/2015/NĐ-CP về quản lý, lập hành lang bảo vệ nguồn nước và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhằm đẩy mạnh công tác quan trọng này, Bộ TN&MT đã có các văn bản đôn đốc các UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các nội dung nêu trên. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh, và 47/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ.
PV: Được biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung sửa đổi chính sách này?
Ông Nguyễn Hồng Hiếu: Để kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo hướng: Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, trừ các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, bổ sung quy định đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông phải thẩm định các nội dung về vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác trước khi cấp giấy phép bảo đảm không gây xói, lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đảm bảo không gây sạt lở, sụt lún ảnh hưởng xấu đến lòng, bờ bãi sông.
PV: Xã hội hóa ngành nước đã và đang góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thi một cách hiệu quả, đồng bộ. Chính sách xã hội hóa ngành nước trong việc thu hút nguồn lực tài chính đầu tư vào việc xây dựng công trình, các biện pháp để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được thể hiện trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hiếu: Chính sách xã hội hóa là một trong những chính sách mới của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), hiện được quy định tại các Điều 72, 73 của Dự thảo Luật. Trong đó, quy định rõ nguồn lực cho bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước; làm rõ các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và quy định các vấn đề về điều kiện, ưu đãi, hỗ trợ để tăng cường thúc đẩy xã hội hóa ngành nước.
Liên quan đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có quy định các hoạt động ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa như phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ tạo cảnh quan ven sông, hồ; đầu tư và thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông…
Trên thực tế, để phục hồi những dòng sông đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm hiện nay, đòi hỏi phải kết hợp giữa biện pháp phi công trình và công trình, trong nhiều trường hợp, hạ tầng kỹ thuật công trình có vai trò chủ đạo. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để bảo đảm tính hiệu quả về mặt môi trường – kinh tế – xã hội, việc phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm không chỉ đơn thuần xem xét các vấn đề về cải thiện chất lượng nước, lưu thông dòng chảy mà còn phải kết hợp thống nhất với việc khôi phục, phát triển hệ sinh thái, hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo tính đa mục tiêu, đồng bộ với việc phát triển kinh tế – xã hội, không gian sống ven sông trên cơ sở phát huy tối đa giá trị tiềm năng của nguồn nước và các đối tượng ven sông… Do đó, các dự án phục hồi dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt thường gắn liền với các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, cải tạo cảnh quan ven sông; đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, lộ trình, kế hoạch rõ ràng và nguồn kinh phí đầu tư lớn.
Ở nước ta, trong những năm qua, một vài địa phương đã chủ động triển khai thực hiện những dự án có liên quan như Dự án “Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì” của Hà Nội, Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TP. Hồ Chí Minh… với tổng mức đầu tư là hàng nghìn tỷ. Tuy nhiên, các dự án phục hồi dòng sông đã được triển khai mới chỉ mang tính thí điểm, số lượng là rất ít, gần như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế với tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Đồng thời, do phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước nên tiến độ của các dự án này cũng thường bị kéo dài, chậm trễ do thiếu chủ động và chờ đợi thủ tục, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Trước thực tế, nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng cao, ngân sách Nhà nước đang ngày càng chịu áp lực lớn; trong khi đó, việc huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư chưa được thực hiện do chưa có quy định cơ chế rõ ràng. Vì vậy, việc quy định chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước nói chung và hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nói riêng trong Dự thảo Luật Tài nguyên (sửa đổi) lần này sẽ tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội vào bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!