Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2024.
Khảo sát “Thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài” với hơn 600 doanh nghiệp của JCCI cho thấy, có hơn 46% doanh nghiệp dự báo doanh thu sẽ “suy giảm” hoặc “duy trì” so với năm 2022.
Riêng về chi phí nhân công, hơn 75% các doanh nghiệp Nhật Bản nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại đây trong tương lai.
Theo JCCI, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam đã tăng lương với mức 5,4% từ năm 2020 đến năm 2021, và 5,8% từ năm 2021 đến 2022, từ năm 2022 đến năm 2023 dự kiến tăng 5,9%. Tỷ lệ tăng này cao hơn so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Tính tổng các doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương trong năm 2022, có tới 96% số lượng doanh nghiệp đã tiến hành tăng lương trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2023.
Kết quả của những đợt tăng lương này là mức lương bình quân của các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam đạt hơn 5,1 triệu đồng (khu vực 1, 2, 3 và 4), cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,68 triệu đồng ở khu vực 1.
Vì vậy, JCCI kiến nghị duy trì mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không phản đối việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2024, nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh.
Các doanh nghiệp đều đã tự điều chỉnh lương nên giả sử nếu mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công. Như vậy, có thể dễ xảy ra tranh chấp lao động ở những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh về chi phí.
Thay vì quyết định theo các chỉ số như CPI, JCCI kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia cần điều tra thực tế mặt bằng tiền lương và đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Theo JCCI, Chính phủ đang xây dựng lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu và đặt ra các mục tiêu trung hạn, tuy nhiên nền kinh tế trong và ngoài nước luôn có sự thay đổi khó lường nên rất khó dự đoán.
Vì vậy mức lương tối thiểu cần được xác định dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng kinh tế hằng năm.
Trước đó, kết thúc phiên họp thứ nhất diễn ra sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng để thu nhập thực tế của người lao động không bị giảm sút. Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%.
Đại diện người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, việc xem xét tăng lương cần có độ trễ và nên được quyết định căn cứ vào các thông số kinh tế, sản xuất thời gian tới đây.
Sở dĩ đưa ra đề xuất trên, đại diện chủ sử dụng lao động lý giải, đời sống doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu cao nhất của người lao động lúc này là được đi làm và doanh nghiệp mong muốn tạo thật nhiều việc làm cho nhiều người. Nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động.