Nhóm các quốc gia BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – không “lãng phí năng lượng” vào các cuộc thảo luận về sự cạnh tranh địa chính trị với các nhóm khác, chẳng hạn như G7, Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal nói với hãng thông tấn TASS hôm 24/8.
“Chúng tôi không lãng phí năng lượng của mình vào các cuộc thảo luận về sự cạnh tranh và đối trọng… Bởi vì đó không phải là mục đích của BRICS”, ông Sooklal nói.
“BRICS là về Nam Bán cầu. Đó là về cải cách cấu trúc toàn cầu và nỗ lực hướng tới một trật tự toàn cầu công bằng hơn”, nhà ngoại giao Nam Phi nói thêm.
Tuy nhiên, dù muốn dù không, kể từ khi được thành lập, BRICS đã phải đối mặt với sự so sánh với G7 trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và các số liệu khác.
Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của khối 5 quốc gia này đã thu hút sự chú ý đến tác động của khối này với tư cách là một lực lượng địa chính trị, tạo ra một đối trọng ngày càng tăng đối với ảnh hưởng truyền thống của G7.
Trong một thời gian dài, G7 – bao gồm Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản – đã nắm giữ quyền quản trị và ra quyết định kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi các quốc gia BRICS trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng, ảnh hưởng và tham vọng tập thể của khối mới nổi này bắt đầu tăng lên.
Xét về GDP theo sức mua tương đương (PPP), BRICS đã vượt qua G7 vào năm 2020. Theo IMF, khối này sẽ chiếm tổng cộng 32,1% GDP toàn cầu trong năm nay. Con số này tăng từ mức chỉ 16,9% vào năm 1995 và cao hơn mức 29,9% của G7.
Sự trỗi dậy của các quốc gia BRICS, mặc dù không phải không có những thách thức và sự chênh lệch trong nội khối, đã dẫn đến những lời kêu gọi ngày càng tăng về quản trị toàn cầu mang tính đại diện và toàn diện hơn, tăng thêm sức nặng cho những tiếng nói không đi theo quỹ đạo của các chính sách mà phương Tây định hình.
Tỉ lệ GDP toàn cầu: BRICS so với G7
Dân số BRICS và G7
BRICS hiện đại diện cho 40% dân số và 32% GDP toàn cầu, nhưng một trong những chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 3 ngày của nhóm ở Nam Phi là về việc kết nạp thành viên mới.
Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết hôm 24/8 rằng BRICS đã thông qua Tuyên bố Johannesburg II, trong đó bao gồm quyết định mở rộng khối.
Theo đó, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ trở thành thành viên đầy đủ của BRICS từ tháng 1/2024.
“Bất chấp những bất đồng giữa các thành viên BRICS, họ được cho là có nhiều điểm chung hơn cộng đồng chiến lược phương Tây mong đợi và tất cả đều coi sự gia tăng đa cực là điều nên làm”, nhà phân tích Yu Jie của tổ chức tư vấn Chatham House (Anh) cho biết. “Kết quả là, tất cả đều được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc xác định trật tự thế giới hiện tại”.
Nhà đầu tư hàng đầu vào BRICS
Hội nghị của các nhà lãnh đạo BRICS đang diễn ra ở Nam Phi cũng thảo luận về cách giảm bớt sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Mặc dù vậy, G7 và BRICS vẫn là hai nhóm có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Nhiều quốc gia thành viên G7 là nhà đầu tư lớn nhất vào các nước BRICS. Bản thân Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn vào các quốc gia thành viên BRICS.
Minh Đức (Theo The National News, TASS)