SGGPO
Thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, nhất là gian lận mã số vùng trồng.
Xe chở nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Thông tin này được nêu ra tại hội nghị trực tuyến Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 24-8 tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Các loại nông sản bị cảnh báo nhiều như: chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; sầu riêng, chôm chôm, ớt có dư lượng hóa chất vượt quá quy định khi xuất khẩu vào thị trường Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Hội nghị sáng 24-8 của Bộ NN-PTNT. Ảnh: MINH LONG |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại, tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T và ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng quy định, chế tài trong việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói hiệu quả hơn, phải bảo vệ chủ sở hữu mã số.
Đồng thời, cần chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Đối với các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề nghị các địa phương kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. “Sử dụng các biện pháp hành chính, nếu các lô hàng hóa đến cửa khẩu mà cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện sẽ yêu cầu tái xuất về nội địa, không cho phép xuất khẩu và tạm dừng việc khai thác, sử dụng mã số đó”, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo.
Khi nào điều tra, xác định nguyên nhân chính xác để tìm biện pháp khắc phục và đã đàm phán được các yêu cầu kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm với nước nhập khẩu, lúc đó mới thông báo cho địa phương và chủ sở hữu các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng tiếp tục được phép khai thác, xuất khẩu trở lại.
“Bộ NN-PTNT đã làm việc với Bộ Tư pháp, đang xin phép Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 nghị định. Thứ nhất là nghị định hướng dẫn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thứ hai là về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này”, ông Hoàng Trung thông tin.