Chính phủ Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc lập tức hủy lệnh cấm nhập khẩu hải sản được áp đặt sau khi Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ.
“Chúng tôi đã gửi kháng nghị tới Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu Bắc Kinh lập tức hủy lệnh cấm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Trung Quốc cử chuyên gia thảo luận về tác động của việc xả nước thải đã qua xử lý ra đại dương dựa trên bằng chứng khoa học”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với phóng viên tại Tokyo ngày 24/8.
Bình luận của ông Kishida được đưa ra sau khi Cơ quan Hải quan Trung Quốc thông báo đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8.
“Quyết định nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”, cơ quan này cho hay.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản vào tháng 7.
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm nhập hải sản Nhật Bản mang ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế. Năm ngoái, Nhật Bản xuất khẩu hải sản trị giá 87,1 tỷ yên (600 triệu USD), tương đương 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu sang đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt gần 100 nghìn tỷ yên (hơn 685 tỷ USD), nên tác động từ lệnh cấm của Trung Quốc không đáng kể.
Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ phức tạp. Tuần trước, Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy 156.000 tấn hải sản Nhật Bản cung cấp cho Trung Quốc năm ngoái chỉ đóng góp chưa đến 4% tổng giá trị nhập khẩu hải sản trị giá 18,8 tỷ USD của nước này. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc.
Nhật Bản hôm nay tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh chỉ trích hành động này “cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm, gây rủi ro toàn cầu, ảnh hưởng thế hệ tương lai”.
Triều Tiên, một quốc gia láng giềng khác của Nhật Bản, cũng chỉ trích động thái này. “Nhật Bản phải ngay lập tức ngừng việc xả nước nhiễm hạt nhân nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và tương lai của nhân loại”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay.
Nhật sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h mỗi ngày kể từ 24/8. Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay nước được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.
Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống. Dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia.
Một số học giả cho rằng nước thải chứa tritium vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về tác động của tritium đối với môi trường và thực phẩm, dù xả nước thải chứa phóng xạ là hoạt động phổ biến của các nhà máy trên thế giới.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)