TPHCM – Cầu Long Kiểng tổng vốn 589 tỉ đồng và cầu Vàm Sát 2 tổng vốn hơn 342 tỉ đồng sẽ thông xe dịp lễ 2.9, giúp tăng kết nối, giảm ùn tắc cho huyện Cần Giờ và Nhà Bè.
Cầu Long Kiểng huyện Nhà Bè sẽ thông xe dịp lễ 2.9 Ảnh: Anh Tú
Dự án cầu Long Kiểng lận đận hơn 20 năm
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng mới, được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001, nhằm thay thế cho cầu Long Kiểng bằng sắt xây dựng từ sau năm 1975. Tuy nhiên, sau đó dự án không được triển khai do TPHCM chưa bố trí được nguồn vốn và gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án được duyệt và điều chỉnh lại năm 2017 với chiều dài 318m, rộng 15m được xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố với trị giá 589 tỉ đồng.
Dự án chưa được triển khai thì đầu năm 2018, một tài xế xe tải chở đá nặng khoảng 15 tấn, chạy lên cầu Long Kiểng cũ (cho phép xe dưới 3,5 tấn lưu thông) khiến một nhịp trên khoang thông thuyền bị sập hoàn toàn.
8 tháng sau sự cố, Sở Giao thông Vận tải TPHCM mới gấp rút khởi công xây dựng cầu Long Kiểng, dự kiến hoàn thành vào tháng 11.2019.
Tuy nhiên, sau khi xây xong 7 trụ cầu, đến cuối năm 2019 dự án phải dừng vì không có mặt bằng. Sau gần ba năm đình trệ, tháng 9.2022 huyện Nhà Bè mới hoàn tất đền bù, giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư khởi động lại dự án.
Giấc mơ có cầu Long Kiểng hơn 20 năm của người dân huyện Nhà Bè sắp thành hiện thực. Ảnh: Anh Tú
Ngày 24.8, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, sau gần 1 năm thi công trở lại, cầu Long Kiểng hiện đạt gần 99% khối lượng, sẽ thông xe dịp lễ Quốc khánh 2.9, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Theo ông Phúc, sau khi hoàn thành, cầu Long Kiểng mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình giao thông, giúp Nhà Bè kết nối thông suốt với Quận 7, trung tâm Quận 1 và các khu vực lân cận; đồng thời, thúc đẩy hoạt động giao thương, tăng trưởng kinh tế – xã hội của Nhà Bè.
Người dân Cần Giờ sắp có cây cầu mới
Huyện Cần Giờ là một trong những nơi có hạ tầng giao thông kém phát triển tại TPHCM. Tại đây, việc đi lại của người dân còn nhiều khó khăn. Trong đó, Cầu Vàm Sát 1 quá nhỏ, xuống cấp do được xây dựng từ lâu. Không chỉ vậy, nhiều xe quá tải trọng cho phép thường xuyên chạy qua cầu gây mất an toàn.
Do đó, dự án cầu Vàm Sát 2 được khởi công tháng 3.2018 với tổng vốn hơn 342 tỉ đồng. Cầu và đường dẫn hai đầu có tổng chiều dài gần 1,1km, mặt cầu rộng 10m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu là 60 km/giờ, không hạn chế tải trọng.
Cầu Vàm Sát 2 nằm cách cầu Vàm Sát 1 khoảng 100m về phía cửa sông Soài Rạp. Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn và điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp.
Cầu Vàm Sát 2 sẽ thông xe dịp lễ 2.9 giúp tăng kết nối cho huyện Cần Giờ. Ảnh: Anh Tú
Theo ông Lương Minh Phúc, cầu Vàm Sát 2 đã hợp long tháng 8.2019. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng công trình nên tạm ngưng thi công hơn 2 năm. Đến năm 2022 dự án mới được huyện Cần Giờ bàn giao đầy đủ mặt bằng để chủ đầu tư khởi động lại. Hiện dự án đạt hơn 99% khối lượng, sẵn sàng thông xe dịp lễ 2.9 tới.
“Sau khi hoàn thành, cầu Vàm Sát 2 chia lửa cho cầu Vàm Sát 1 cũ, từ đó khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn kết nối giao thông giữa các xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ và với trung tâm TPHCM” – ông Phúc nói.
Laodong.vn