PV: Thưa ông, xin ông cho biết dự báo về diễn biến El Nino trong khoảng thời gian cuối năm 2023 – đầu năm 2024?
TS. Vũ Văn Thăng: Theo số liệu quan trắc diễn biến ENSO mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ (CPC), trạng thái khí quyển và đại dương phản ánh trạng thái của El Nino. Trong đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương nhiệt đới từ tuần cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 cao hơn so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 0,5 đến 2oC, giá trị chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino trong tuần mới nhất khoảng 1,3oC, đạt ngưỡng El Nino có cường độ trung bình.
Khi tổng hợp kết quả dự báo của các Trung tâm trên thế giới ở thời điểm hiện nay cho thấy, trạng thái El Nino sẽ tiếp tục phát triển và duy trì đến hết năm 2023 với xác suất trên 95% và giảm dần xuống dưới 55% vào mùa 3-5/2024. Nhiều khả năng El Nino sẽ đạt cường độ từ trung bình đến mạnh, thời gian đạt cực đại khả năng xảy ra trong thời kỳ từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024.
PV: Diễn biến của El Nino có phải là minh chứng cho tính đúng đắn của các dự báo rằng BĐKH diễn ra ngày càng trầm trọng hơn, thưa ông?
TS. Vũ Văn Thăng: Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy El Nino tác động đến thời tiết, khí hậu chung ở khu vực Việt Nam sẽ có xu thế cao hơn trung bình trên phạm vi cả nước và thường xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao; Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến Việt Nam thường thấp hơn so với trung bình nhiều năm, vì vậy, lượng mưa thiếu hụt trên đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50% sẽ có nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó sẽ gây ra tình trạng hạn hán và thiếu nước sinh hoạt sẽ khắc nghiệt hơn ở một số vùng khả năng xuất hiện hạn cao như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đặc biệt, một số hiện tượng cực đoan về khí hậu như mùa đông 2023 – 2024, Bắc Bộ sẽ xảy ra tình trạng mùa đông ấm, với số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta thấp hơn trung bình nhiều năm. Mùa khô hạn 2023 – 2024 (mùa đông – xuân) ở Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng khắc nghiệt hơn mùa khô hạn 2022 – 2023 và có thể xấp xỉ mùa khô hạn năm 2019-2020; Mùa khô hạn 2024 (mùa xuân – hè) ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ khả năng sẽ nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2023. Tuy nhiên trong điều kiện động của El Nino, vẫn có khả năng xảy ra những đợt mưa lớn trái quy luật, kỷ lục lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ, hay hoạt động của bão có thể bất thường về cường độ và quỹ đạo.
PV: Ông có nhận định gì về diễn biến thiên tai gần đây ở nước ta như nắng nóng kỷ lục trong mùa hè tại miền Bắc, mưa lớn tập trung bất thường gây trượt lở đất ở miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên; hay liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ? Đây có phải là biểu hiện của sự gia tăng tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới Việt Nam trong xu thế chung toàn cầu?
TS. Vũ Văn Thăng: Trong báo cáo AR6 (Báo cáo thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Liên Hiệp Quốc) năm 2021 đã chỉ ra những điểm đáng lo ngại về BĐKH như hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trên thế giới, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và có những hậu quả không thể đảo ngược. Đồng thời khẳng định rằng nguyên nhân chính của BĐKH là do hoạt động của con người trên toàn cầu đã gây gia tăng phát thải các khí nhà kính trong khí quyển, làm mất cân bằng bức xạ của hệ khí quyển – trái đất, trong khi các nỗ lực gần đây để giảm mức phát thải chưa đạt được nhiều kết quả.
Từ đó, sinh ra những hiện tượng thời tiết khó lường như nắng nóng kỷ lục, bão, lũ lụt, thời tiết dị thường gây trượt lở đất ở nhiều nơi ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ. Đáng chú ý, sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa đã làm thay đổi diễn biến dòng chảy về mùa lũ và mùa khô, sự thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, qua đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông. Cùng với đó là mực nước biển dâng cao, với xu thế tăng nhanh trong khoảng 20 năm trở lại đây, sẽ làm gia tăng tác động của sóng kết hợp với triều cường lên bờ biển và quá trình xâm thực sẽ có diễn biến ngày càng trầm trọng hơn.
PV: Việc chủ động theo dõi, bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng sẽ giúp ích như thế nào cho các địa phương trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thưa ông?
TS. Vũ Văn Thăng: Việc chủ động theo dõi, bám sát các bản tin dự báo cảnh báo thiên tai sẽ giúp ích cho các địa phương có các phương án, kế hoạch hành động sớm để giảm thiểu tác động của thiên tai như chủ động phòng chống và ứng phó được với thiên tai, chuẩn bị sẵn các nguồn lực, vật tư để hành động sớm; Đưa ra các kế hoạch phòng chống thiên tai ứng với từng cấp độ, được dự báo có thể xảy ra trên địa bàn (phương án di dân, phương án phòng chống, lực lượng hỗ trợ, nhiệm vụ của các sở, ngành, …); Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của thiên tai; Vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp, thoát nước, sử dụng tiết kiệm chống thất thoát nước trong mùa khô và điều tiết lũ và ngập lụt trong mùa mưa; Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tuân thủ các biện pháp an toàn và phòng ngừa và có thể chuẩn bị sẵn thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Qua đó, việc chủ động theo dõi và bám sát các thông tin dự báo và cảnh báo thời tiết từ cơ quan khí tượng có thể giúp địa phương chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Điều này giúp giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và tăng cường sự an toàn cho cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!