Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã có 275 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng giá trị thiệt hại khoảng 78,1 tỷ đồng; 704 ha cây trồng, 234 ha nuôi thủy sản, 1.014 con gia súc, gia cầm ngập lụt, tổng thiệt hại 124 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học của Đắk Nông, thiệt hại khoảng 843,9 tỷ đồng…
Tính đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông đã 2 lần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Cụ thể là vào ngày 8/8, tỉnh này công bố 3 khu vực gồm: hồ chứa nước Đắk N’ting (tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa và điểm sạt trượt, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Đến ngày 20/8, tỉnh tiếp tục công bố thêm một địa điểm là Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, từ thời điểm chia tách tỉnh (1/1/2004) đến nay chưa có năm nào mưa lớn kéo dài hơn 20 ngày và gây thiệt hại về của cải, vất chất lớn như đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua.
Ông Lê Trọng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở này vào trong nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, địa phương.
“Trước mắt, việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân là quan trọng nhất. Tiếp đó là việc bảo vệ an toàn cho tài sản của Nhà nước đã đầu tư. Về lâu dài, Đắk Nông phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và thuê các đơn vị tư vấn đánh giá, đề xuất giải pháp. Một giải pháp mang tính tổng thể là chúng ta phải đặt hàng cơ quan chuyên môn xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh”. Ông Yên nói thêm
Tính đến thời điểm các chuyên gia và nhà khoa học sau khi kiểm tra, khảo sát các khu vực bị sạt lở đều có nhận định chung, nguyên nhân ban đầu sạt lở chủ yếu do những bất ổn về địa hình, địa chất. Cần thêm thời gian theo dõi, đánh giá kỹ hơn.