Ukraine bắn hạ nhiều UAV tại vùng Danube, Trung-Hàn nêu lập trường về xả thải ở nhà máy Fukushima, EU quan ngại về Trung Phi… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng hai con gái tại sân bay Don Muang, Thái Lan, ngày 22/8. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine: Ngày 23/8, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại quan điểm của Điện Kremlin rằng, xung đột tại Ukraine là phản ứng khi bị ép buộc trước hành động của Kiev và phương Tây. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, Moscow sẽ tận dụng vai trò chủ tịch BRICS vào năm tới để tăng cường vai trò của nhóm trên trường quốc tế. Thượng đỉnh BRICS tiếp theo sẽ được tổ chức tại thành phố Kazan, Nga, tháng 10/2024.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định, các nước thành viên BRICS sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. (Reuters)
* Ukraine bắn hạ 11/20 UAV tấn công vùng Danube: Ngày 23/8, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) và chính quyền địa phương cho biết, trong đêm, máy bay không người lái (UAV) Nga đã tấn công phía Nam Odessa và sông Danube ở miền Nam Ukraine, khu vực trọng điểm để xuất khẩu ngũ cốc.
Telegram của VSU viết: “Đối thủ đã tấn công các cơ sở lưu trữ ngũ cốc và khu phức hợp sản xuất và trung chuyển ở vùng Danube. Lửa bùng phát tại nhà kho song đã được khống chế nhanh chóng. Lính cứu hỏa tiếp tục làm việc”. Phòng không Ukraine đã bắn hạ 11/20 UAV Nga tham gia cuộc tấn công trên. (Reuters)
* Hà Lan viện trợ thiết bị rà phá bom mìn cho Ukraine: Ngày 22/8, trong chuyến thăm Kiev và gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Oleksiy Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nêu rõ: “Đã có quyết định cung cấp khoảng 1.000 thiết bị di động phục vụ công tác rà phá bom mìn từ xa, có thể tạo lối đi trong các hàng rào được thiết kế… Hiện tại, như chúng tôi được biết, các bạn đang phải đối mặt với vấn đề bom mìn dày đặc ở nhiều vùng lãnh thổ”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine đang chậm lại trước các tuyến phòng thủ Nga được rải mìn dày đặc. Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận định, việc trợ giúp Ukraine rà phá lượng bom mìn khổng lồ có thể trở thành nỗ lực chung của Berlin và đối tác. (Reuters)
* Mỹ không ủng hộ các cuộc tấn công lãnh thổ Nga: Ngày 23/8, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, nước này không khuyến khích hoặc hỗ trợ thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Nga. Quan chức trên nhấn mạnh, Ukraine có quyền quyết định cách họ chọn để tự vệ trước hoạt động quân sự Nga.
Trước đó, chính quyền Moscow cho biết, các lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ UAV đang tìm cách tấn công thủ đô xứ bạch dương vào sáng sớm ngày 23/8. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Không kích đồng loạt ở Odessa và sông Danube, Tổng thống Putin nói gì về Zaporizhzhia, Luhansk và cuộc bầu cử sắp tới? |
Đông Nam Á
* Nội các mới của Campuchia chuẩn bị nhóm họp phiên đầu tiên: Ngày 23/8, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nhiệm kỳ VII sẽ tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên vào sáng 24/8 dưới sự chủ trì của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Phiên họp toàn thể đầu tiên của chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII sẽ thảo luận và tuyên bố về “Chiến lược Ngũ giác” giai đoạn I, năm 2023-2028.
Phiên họp sẽ được phát trực tiếp trên trang Facebook của “Tiến sĩ Hun Manet, Thủ tướng Campuchia” và trang tin Fresh News (Campuchia).
Trước đó, ngày 22/8, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Campuchia khóa VII đã bỏ phiếu tín nhiệm thông qua thành phần Nội các mới với tân Thủ tướng Hun Manet. (Fresh News)
* Thái Lan: Nhà vua phê chuẩn Thủ tướng mới: Ngày 23/8, truyền thông Thái Lan dẫn lời người phát ngôn Hạ viện, ông Kampee Ditthakorn cho biết ông Srettha Thavisin đã được Nhà vua phê chuẩn làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng hôm 22/8. Lệnh phê chuẩn của hoàng gia đã được công bố vào lúc 18h00 ngày 23/8 tại trụ sở của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái).
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Quốc hội ngày 22/8, ông Srettha đã nhận được 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng, vượt qua quá bán để trở thành Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.
Phát biểu trước phóng viên tại trụ sở đảng Pheu Thai , ông Srettha Thavisin đã cảm ơn sự ủng hộ của các nhà lập pháp. Chính trị gia này nêu rõ: “Tôi sẽ cố gắng hết sức và làm việc không mệt mỏi để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Lan”. (Bangkok Post)
* Thái Lan thông báo nguyên nhân cựu Thủ tướng Thaksin nhập viện: Ngày 23/8, Cục Cải huấn, Bộ Tư pháp Thái Lan cho biết, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã được chuyển từ Nhà tù Remand Bangkok đến Bệnh viện Đa khoa cảnh sát đêm 22/8 do bị đau ngực, tăng huyết áp và lượng oxy trong máu thấp.
Theo nguồn tin, ông Thaksin đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa cảnh sát bằng trực thăng. Sau đó, ông được đưa vào phòng riêng cho bệnh nhân đặc biệt, Royal Suite 1401, tầng 14 của Tòa nhà Maha Bhumibol Rachanusorn 88 Phansa.
Theo Phó Tổng giám đốc Cục Cải huấn Sitthi Sutivong, quản giáo nhà tù đã báo cáo rằng, ông Thaksin không thể ngủ được, bị đau ngực, tăng huyết áp và lượng oxy trong máu thấp khi bị cách ly trong bệnh viện nhà tù. Vì Bệnh viện Cải huấn thiếu thiết bị y tế, bác sĩ quyết định chuyển cựu Thủ tướng đến Bệnh viện Đa khoa cảnh sát, nơi được trang bị tốt hơn, để bảo đảm an toàn cho ông. Đồng thời, nhân viên nhà tù đã được triển khai ở bệnh viện theo quy định của Cục Cải huấn.
Trong một tuyên bố, Bệnh viện Đa khoa cảnh sát Thái Lan cũng nêu rõ việc chuyển tù nhân đến cơ sở y tế này là bình thường theo biên bản ghi nhớ mà Cục Cải huấn đã ký với Cảnh sát Thái Lan vào ngày 1/5/2020.
Trong kiểm tra sơ bộ trước khi ngồi tù, ông Thaksin được chẩn đoán đã mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, xơ phổi và thoái hóa đốt sống. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
6 ưu tiên của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet |
Nam Thái Bình Dương
* Australia mong muốn khôi phục các cuộc đàm phán FTA với EU: Ngày 23/8, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres nhấn mạnh, việc khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) là ưu tiên của ông tại cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại và đầu tư Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Jaipur, Ấn Độ.
Theo ông, cho đến nay, các quan chức EU đã “cho quá ít và yêu cầu quá nhiều”. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận bước ngoặt này đã đổ vỡ vào tháng 7, trong bối cảnh hai bên bất đồng về quyền tiếp cận xuất khẩu của nông dân Australia vào thị trường EU rộng lớn. Theo ông Ayres, một thỏa thuận chỉ có thể thực hiện được khi có những thay đổi lớn đối với hạn ngạch nhập khẩu thịt của EU.
Tuy nhiên, bất chấp tranh chấp đang diễn ra trong quá trình đàm phán, các quan chức cấp bộ của hai bên đều bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận. Hồi tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell nhận định, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc với thiện chí, sự chăm chỉ và kiên trì. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia và Philippines lần đầu tập trận chung trên không ở Biển Đông |
Đông Bắc Á
* Xả thải tại nhà máy Fukushima: Trung Quốc “sẽ thực hiện biện pháp cần thiết”, Hàn Quốc sẵn sàng khởi kiện nếu cần: Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng”.
Trong khi đó, phát biểu trong buổi họp báo cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cho biết: “Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng phương án khởi kiện quốc tế nếu việc xả thải không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn”. Ông nhấn mạnh rằng, Hàn Quốc sẽ yêu cầu Nhật Bản dừng ngay việc xả thải nếu nồng độ chất phóng xạ trong nước vượt quá tiêu chuẩn. Theo thỏa thuận, chính quyền Seoul sẽ nhận được dữ liệu liên quan theo thời gian thực từ phía Tokyo trong giai đoạn đầu sau khi Nhật Bản bắt đầu xả thải và sẽ theo dõi nồng độ 69 loại phóng xạ.
Trước đó, ngày 22/8, chính phủ Nhật Bản thông báo việc xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý sẽ bắt đầu vào ngày 24/8 nếu điều kiện thời tiết cho phép. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối từ một số nước láng giềng.
Trước đó hồi tháng 7, báo cáo an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khẳng định việc chính phủ Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Đằng sau câu chuyện về kế hoạch xả thải ở Fukushima |
Châu Âu
* Nga thay lãnh đạo Lực lượng Hàng không Vũ trụ: Ngày 23/8, RIA (Nga) ngày 23/8 đưa tin Moscow đã bổ nhiệm quyền Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ để thay thế Tướng Sergei Surovikin, người đã “biến mất” sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6.
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ: “Cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân và Vũ trụ Nga Sergei Surovikin hiện đã bị cách chức. Tướng Viktor Afzalov, người đứng đầu Bộ Tham mưu chính của Lực lượng Không quân, tạm thời giữ chức quyền Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân”
Trước đó, trong cuộc nổi dậy của Wagner từ ngày 22-24/6, ông Surovikin, người từng chỉ huy hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, đã xuất hiện trong một video, trông có vẻ không thoải mái và không đeo phù hiệu, kêu gọi thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin từ chức. Sau khi cuộc nổi dậy kết thúc, các hãng tin chưa được xác nhận của Nga và nước ngoài đã nói rằng ông Surovikin đang bị điều tra vì có thể đồng lõa với cuộc nổi dậy và bị quản thúc tại gia.
Trong thời gian Nga can thiệp quân sự tại Syria, ông Surovikin từng có biệt danh là “Tướng quân Armageddon (Hủy diệt)”. Tháng 10/2022, ông được giao phụ trách các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Song tháng 1 năm nay, vai trò đó được giao cho Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Nga, còn ông Surovikin được bổ nhiệm làm cấp phó. (Reuters)
* Vua Tây Ban Nha đề cử lãnh đạo cánh hữu lập chính phủ mới: Ngày 22/8, sau tham vấn với lãnh đạo các chính đảng lớn, Vua Felipe VI đã đề cử ông Alberto Nunez Feijoo làm ứng cử viên thành lập một chính phủ mới tại Tây Ban Nha.
Trước đó, Vua Felipe VI đã gặp ông Feijoo, lãnh đạo đảng Bình dân (PP) và quyền Thủ tướng Pedro Sanchez, người đồng thời cũng là lãnh đạo đảng Xã hội (PSOE). Đây là ngày tham vấn thứ hai giữa nhà vua Tây Ban Nha với các lãnh đạo chính đảng lớn, sau khi kết quả tổng tuyển cử hôm 23/7 cho thấy không chính đảng nào có khả năng tự đứng ra thành lập chính phủ mới.
Phát biểu họp báo cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Tây Ban Nha Francina Armengol cho biết sẽ sớm liên lạc với ứng cử viên do Nhà vua chỉ định để ấn định thời điểm diễn ra phiên tranh luận và bỏ phiếu tại Quốc hội. Hiến pháp Tây Ban Nha quy định, Hoàng gia sẽ đề cử một ứng cử viên Thủ tướng để vận động và vượt qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Quy định không nêu rõ ứng cử viên này có nhất thiết phải là lãnh đạo đảng giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri nhất hay không.
Theo quy định, ông Feijoo sẽ có hai cơ hội để trở thành Thủ tướng một khi thời điểm tranh luận tại Quốc hội được ấn định. Theo đó, ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, chính trị gia này sẽ cần nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 176 nghị sĩ. Nếu không, ông sẽ chỉ cần giành được đa số đơn giản (tức là nhiều phiếu thuận hơn phiếu chống) trong vòng bỏ phiếu lần hai diễn ra sau đó 48 giờ. Nếu ông Feijoo không thành công, Thủ tướng tạm quyền Sanchez sẽ có cơ hội để thành lập chính phủ.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào có thể giành được đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ mới trong vòng hai tháng, Quốc hội hiện tại sẽ bị giải tán và một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ phải được tiến hành sau đó 47 ngày. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Tây Ban Nha: PSOE gặp khó, cơ hội nào cho PP? |
Trung Đông-châu Phi
* EU cảnh báo tình trạng “phân cực” ở Cộng hòa Trung Phi: Ngày 23/8, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của EU Peter Stano nêu rõ: “EU lưu ý đến kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp ở Cộng hòa Trung Phi”. Quan chức này cũng bày tỏ “mối lo ngại về sự tiếp tục phân cực của bối cảnh chính trị” ở Cộng hòa Trung Phi, đồng thời nhấn mạnh “EU kêu gọi các thủ tục dân chủ toàn diện và minh bạch hơn” ở nước này.
Trước đó, ngày 21/8, Tòa án Tối cao nước Cộng hòa Trung Phi đã phê chuẩn kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/7. Trong đó, 95% cử tri ủng hộ những thay đổi trong hiến pháp. Việc sửa đổi hiến pháp, bị phe đối lập chỉ trích gay gắt, đã loại bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ và kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống từ 5 lên 7 năm. (AFP)
* Tổng thống Nam Phi cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ: Ngày 22/8, phát biểu tại Đối thoại Các nhà lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của khối, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, các nền kinh tế BRICS đã “nổi lên như những động lực tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ” và “những thay đổi diễn ra ở các nền kinh tế BRICS trong thập kỷ qua đã góp phần làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên ông cảnh báo: “Làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới và hậu quả của các biện pháp đơn phương không phù hợp với các quy định của WTO, làm suy yếu tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. Do đó, chúng tôi tái khẳng định quan điểm rằng tăng trưởng kinh tế phải được củng cố bởi sự minh bạch và bao trùm”.
Lưu ý rằng thay đổi nhanh chóng về kinh tế, công nghệ và xã hội đang tạo ra những rủi ro mới về việc làm, bình đẳng và nghèo đói ở nhiều quốc gia BRICS, ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp “chung tay với chúng tôi để xác định giải pháp cho những vấn đề này và những thách thức khác ảnh hưởng đến nền kinh tế tương ứng của chúng ta”. (Tân Hoa xã)