SGGPO
Tại Đà Nẵng, số lượng cơ sở hành nghề dịch vụ thẩm mỹ ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa có giấy phép, không đảm bảo điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động, quảng cáo rầm rộ.
Lực lượng công an kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Hoạt động vượt quá chứng chỉ hành nghề
Giữa tháng 8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều lỗi vi phạm tại cơ sở thẩm mỹ Kangzin (368 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Lực lượng chức năng bắt quả tang nhân viên lao công đang xử lý căng da mặt cho khách.
Cũng thời gian này, Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã nhận được 17 đơn tố cáo của người dân về thẩm mỹ viện Wonjin (từng hoạt động tại số 218 Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê). Trước đó, từ tháng 6, nhiều khách hàng bất ngờ bị mất liên lạc với nhân viên của thẩm mỹ viện Wonjin. Đến trực tiếp cơ sở thì phát hiện nơi này đã đổi tên thành thẩm mỹ viện New York US và đổi cả chủ. Nhiều người cho biết đã đóng 50-60 triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp, có cả dịch vụ xâm lấn tại cơ sở thẩm mỹ này.
Tại địa chỉ của Thẩm mỹ viện Wonjin đã biến thành Thẩm mỹ viện New York US. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo bà Hoàng Thị Việt Nga, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế – Môi trường Công an quận Thanh Khê, phần lớn cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Thanh Khê là các hộ kinh doanh, có chứng chỉ chăm sóc da được Sở Y tế công nhận là cơ sở đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo chứng chỉ hành nghề đó. Tuy nhiên thực tế, các cơ sở thực hiện những hoạt động vượt quá chứng chỉ hành nghề như mổ, tiêm botox… Chứng chỉ hành nghề chăm sóc da không được thực hiện những hoạt động can thiệp sâu vào cơ thể con người như gây tê dạng tiêm. Những hoạt động này chỉ được thực hiện ở phòng khám hay các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ với nhiều thủ tục và yêu cầu có bác sĩ, có bằng cấp.
Các cơ sở hay làm sai là quảng cáo trên mạng xã hội. Điển hình như, việc đặt tên cơ sở kinh doanh là thẩm mỹ viện là sai quy định, vì thẩm mỹ viện phải là phòng khám chuyên khoa da liễu với các thủ tục đi kèm. Các cơ sở còn quảng cáo những dịch vụ vượt quá chứng chỉ cho phép.
Các cơ sở quảng cáo những dịch vụ vượt quá chức năng cho phép |
Chỉ với chứng chỉ chăm sóc da, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ đã nhận học viên đào tạo.
Phần lớn các cơ sở ở địa bàn quận Thanh Khê không phân loại rác thải, không ký hợp đồng phân loại rác thải với các cơ sở được phép thu gom rác thải nguy hại. Qua kiểm tra, các cơ sở gom chung mọi rác thải cho vào túi thu gom rác bình thường và để trước cơ sở, gây nguy hại cho môi trường.
Theo bà Nga, những hành vi trên đều bị xử phạt hành chính, mỗi cơ sở có thể bị phạt trên 100-200 triệu đồng.
Tăng phân cấp, phân quyền
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y tế (Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết, hiện có khoảng 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tại Đà Nẵng. Trong đó, quận Hải Châu có khoảng 300 cơ sở, quận Thanh Khê có khoảng 150 cơ sở, số còn lại rải rác ở quận huyện khác.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y tế, Sở Y tế Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tuy nhiên, trong số 500 cơ sở chỉ có khoảng 28 cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ. Nhiều chủ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện nay chưa hiểu rõ thế nào là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thế nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ – nơi đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa, được thẩm định rất khắt khe mới được thực hiện các dịch vụ.
“Trong một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vừa lồng ghép chăm sóc da, giảm béo, phun xăm, gội đầu…. Đây là điều gây khó cho lực lượng chức năng khi quản lý, kiểm tra. Chúng tôi đã có góp ý để Luật Khám chữa bệnh sắp tới cần làm rõ thế nào là dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ”, ông Thanh nói.
Kết quả thanh tra đầu năm 2023, đơn vị kiểm tra khoảng 20 cơ sở thì tổng số tiền các cơ sở bị xử phạt là khoảng 480 triệu đồng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc phối hợp với địa phương để phát hiện những cơ sở làm sai. Mỗi phòng Y tế quận, huyện hiện nay chỉ có 1 đến 3 người và làm rất nhiều việc. Trong khi số cơ sở thẩm mỹ tại nhiều quận rất nhiều. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có sự phân cấp cụ thể cho địa phương như xã, phường trong quản lý cơ sở thẩm mỹ.
UBND quận Thanh Khê tổ chức hội nghị quán triệt các quy định điều kiện hoạt động đối với các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho rằng, quận Thanh Khê có gần 150 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì có 119 cơ sở chưa công bố đủ điều kiện hoạt động, chiếm hơn 80%. Với các cơ sở chưa công bố các điều kiện hoạt động, theo ông Công, các phòng, đơn vị có trách nhiệm sẽ tăng cường cung cấp thông tin, các thủ tục hồ sơ cho cơ sở thẩm mỹ. Bên cạnh đó, việc quản lý, kiểm tra gần 150 cơ sở với quận đang gặp khó thì chia về cho các UBND các phường. Các địa phương không để cơ sở không đủ điều kiện thẩm mỹ hoạt động. Nếu cơ sở nào chưa đủ điều kiện hoạt động mà để xảy ra vấn đề gì thì lãnh đạo địa phương đó chịu trách nhiệm. Hết tháng 9, nếu cơ sở nào chưa công bố thì Phòng Y tế và Công an quận sẽ kiểm tra và cho tạm dừng hoạt động.