Trúng nhiều gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, nhà thầu “quen mặt” của một số BQLDA trên địa bàn TP HCM là ai?
Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo và Công luận, trong 2 năm trở lại đây Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thi công Xây dựng Cầu đường Hồng An (Cầu đường Hồng An) liên tiếp trúng các gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm thấp và nhiều gói thầu trong đó chỉ có duy nhất Cầu đường Hồng An tham gia đấu thầu. Đặc biệt, công ty này còn khá “quen mặt” với một số BQLDA trên địa bàn TP HCM.
Cụ thể từ cuối năm 2022 trở lại đây, Cầu đường Hồng An đã trúng 2 gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là gói thầu Xây dựng công trình (đã bao gồm chi phí đảm bảo an toàn giao thông thủy, giao thông bộ). Đây là gói thầu thuộc dự án Sửa chữa cầu Thanh Niên (kết nối đường Trương Văn Đa và đường Thích Thiện Hòa), xã Bình Lợi – xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh với giá dự toán gói thầu là 6,342 tỷ đồng, nguồn vốn từ Ngân sách Huyện.
Vào ngày 27/11/2022, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh đã ký quyết định 445/QĐ-BQLDA phê duyệt gói thầu này cho Cầu đường Hồng An với giá trúng thầu là 6,322 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở mức khoảng 0,31%.
Đến ngày 3/3/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh tiếp tục ký quyết định 56/QĐ-BQLDA phê duyệt cho Cầu đường Hồng An Gói thầu Xây dựng hệ thống chiếu sáng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú (Hương lộ 4) trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Gói thầu sử dụng ngân sách thành phố, có giá dự toán gói thầu là 13,194 tỷ đồng, giá trúng thầu là 13,184 tỷ đồng tương đương tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chỉ khoảng 0,07%. Cầu đường Hồng An là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu 2 gói thầu trên của chủ đầu tư BQLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, Cầu đường Hồng An còn liên tiếp trúng 2 gói thầu của chủ đầu tư là BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại TP HCM trong giai đoạn cuối năm 2022. Điều đáng nói đó là Cầu đường Hồng An là đơn vị duy nhất tham gia đấu thầu tại các gói thầu này.
Cụ thể, tại gói thầu “Xây lắp đường đầu cầu (kể cả cây xanh) – Xây dựng cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè” đã được BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông ký quyết định 6437/QĐ-BQLDAGT-KHĐT phê duyệt gói thầu cho Cầu đường Hồng An ngày 13/12/2022. Giá dự toán gói thầu là 83,468 tỷ đồng, giá trúng thầu là 83,418 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ khoảng 0,06%.
Tiếp đó vào ngày 15/12/2022, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng đã ký Quyết định số 6488/QĐ-BQLDAGT-KHĐT, phê duyệt dự án “Xây lắp số 4: Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 từ Km2+800 đến Km4+200 – Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh” cho Cầu đường Hồng An. Giá dự toán gói thầu là 240,456 tỷ đồng trong khi giá trúng thầu là 240,306 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm cũng chỉ khoảng 0,06%.
Trong cùng năm 2022, Cầu đường Hồng An cũng liên tiếp trúng 3 gói thầu của Trung tâm Quản lý Đường thủy. Điều đáng nói đó là 2 trong số 3 gói thầu, chỉ có duy nhất công ty này tham gia đấu thầu.
Gói thầu đầu tiên là gói thầu “Sửa chữa kè Kênh Tẻ Km 1+085 – Km 1+145 và Km 1+265 – Km 1+300 (đoạn từ số nhà 273 đến số nhà 289 và đoạn từ số nhà 331 đến số nhà 337 đường Trần Xuân Soạn, Quận 7)” được Trung tâm Quản lý Đường Thủy phê duyệt theo quyết định số 148/QĐ-TTQLĐT vào ngày 7/4/2022. Giá gói thầu là 9,785 tỷ đồng, giá trúng thầu là 9,765 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm khoảng 0,2%. Nguồn kinh phí của 2 gói thầu đều từ Kinh phí duy tu giao thông (Duy tu đường thủy) năm 2022.
Tiếp đó, vào ngày 2/8/2022, Trung tâm Quản lý Đường thủy cũng ký quyết định số 225/QĐ-TTQLĐT phê duyệt gói thầu Sửa chữa phương tiện thủy năm 2022 cho Cầu đường Hồng An. Gói thầu có giá dự toán 2,057 tỷ đồng, giá trúng thầu 2,056 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ 0,1%.
Đáng chú ý ở gói thầu này, 2 đơn vị tham gia gói thầu Sửa chữa phương tiện thủy năm 2022 là Cầu đường Hồng An và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Biển Việt Nam. Nhà thầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Biển Việt Nam đã đưa ra giá dự thầu thấp hơn 6,5% so với giá Cầu đường Hồng An dự thầu, ở mức chỉ 1,922 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cầu đường Hồng An vẫn trúng gói thầu này với tỷ lệ tiết kiệm cho nhà nước sít sao chỉ 0,1%.
Cuối cùng là gói thầu “Lấp hố xói bờ trái sông Sài Gòn khu vực phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức”, được phê duyệt vào ngày 14/11/2022 theo quyết định số 374/QĐ-TTQLĐT của Trung tâm Quản lý Đường thủy. Giá gói thầu là 12,4 tỷ đồng, giá trúng thầu là 12,387 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu ở mức 0,1%.
Tỷ lệ trúng thầu lên tới 91% nhưng kinh doanh lại… kém hiệu quả
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thi công Xây dựng Cầu đường Hồng An có địa chỉ trụ sở tại 349/141 Lê Đại Hành, Phường 13, Quận 11, TP HCM. Người đại diện pháp luật công ty là Nguyễn Nhật Hồng An. Công ty thành lập từ năm 2008 với hoạt động kinh doanh chính là xây dựng công trình đường bộ.
Về lịch sử đấu thầu của đơn vị này từ khi thành lập đến nay, Cầu đường Hồng An đã tham gia 88 gói thầu, trong đó trúng tới 80 gói, chỉ trượt 4 gói, 3 gói chưa có kết quả và 1 gói đã bị hủy. Như vậy, tỷ lệ trúng thầu của Cầu đường Hồng An lên tới gần 91%.
Tổng giá trị các gói thầu liên quan tới Cầu đường Hồng An trúng lên tới 3.691 tỷ đồng gồm cả các gói thầu tham gia với tư cách nhà thầu liên danh và độc lập. Trong đó tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập của Cầu Đường Hồng An là 1,007 tỷ đồng. Tổng giá trị các gói thầu đã trúng với vai trò liên danh là 2.684 tỷ đồng.
Cầu đường Hồng An từng đấu với 27 nhà thầu trong 19 gói thầu với vai trò độc lập, thắng 11 gói. Đơn vị này từng liên danh với 12 nhà thầu trong 10 gói thầu, thắng 9 gói trong số đó. Như vậy, tổng số gói thầu mà đơn vị này đã thắng khi phải đấu với nhà thầu khác là 20 gói thầu. 60 gói thầu Hồng An đã tham gia mà không phải đấu với đơn vị nào khác. Theo thông kê, tỷ là chào giá thấp nhất khi tham gia các gói thầu của công ty này này là 95,45%.
Tỷ lệ trúng thầu cao, doanh thu của Cầu đường Hồng An cũng tăng mạnh qua từng năm trong giai đoạn 2018-2021. Năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 545 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2018. Đà tăng đã chững lại trong năm 2022 với doanh thu sụt giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao 544,6 tỷ đồng.
Dù vậy, lợi nhuận của Cầu đường Hồng An lại khá mỏng, chỉ chưa đến 10 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm hơn 19% so với năm 2021, xuống mức 7,5 tỷ đồng. Biên lãi ròng chưa đến 1,4% tương ứng 100 đồng doanh thu làm ra mới thu về 1,3 đồng lãi.
Lợi nhuận của Cầu đường Hồng An bị thu hẹp trong bối cảnh nợ phải trả có dấu hiệu tăng nhanh. Đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này ở mức trên 181 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Đây là mức nợ phải trả cao nhất của Cầu đường Hồng An kể từ năm 2019. Thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu.
Con số này hiện đã giảm xuống dưới 1 do Cầu đường Hồng An nhiều lần tăng vốn khủng trong những năm gần đây. Từ mức 20,5 tỷ đồng cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã tăng gấp gần 11 lần sau 4 năm lên hơn 220 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Vốn tăng, nợ tăng, quy mô mở rộng nhưng kết quả kinh doanh lại đi lùi cho thấy khả năng sử dụng vốn và tài sản kém hiệu quả của doanh nghiệp này.
Gia Sơn – Thế Anh