Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có Báo cáo thẩm định Đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập Công ty TNHH MTV trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Theo đó, ngày 1/8, Bộ KH-ĐT có công văn gửi các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tư pháp, LĐ-TB&XH, Nội vụ đề nghị tham gia ý kiến đối với đề án và dự thảo Báo cáo thẩm định. Đến ngày 16/8, Bộ nhận được ý kiến phúc đáp của các bộ: Tư pháp, LĐ-TB&XH, Nội vụ.
Ngày 16/8, Bộ KH-ĐT tổ chức cuộc họp để thống nhất các ý kiến và hoàn thiện báo cáo thẩm định theo quy định, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành. Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội Vụ vắng mặt.
Vốn điều lệ 735 tỷ có đảm bảo cho A0 hoạt động?
Báo cáo thẩm định đánh giá, Đề án tách A0 từ EVN để thành lập Công ty TNHH MTV mới đề cập đến các thông tin của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), chưa nhắc đến thông tin của EVN về vốn điều lệ, tài sản,… sau khi tách A0. Do đó, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn rà soát, bổ sung thông tin.
Bên cạnh đó, EVN và A0 đã có BCTC quý II/2023, Ủy ban Quản lý vốn khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có ý kiến đối với báo cáo này tại công văn góp ý về việc thẩm định Đề án.
Việc đảm bảo điều kiện về mức vốn điều lệ của doanh nghiệp, theo nội dung Đề án, sau khi tách khỏi EVN, vốn điều lệ của NSMO dự kiến là 735 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện theo quy định.
Báo cáo thẩm định cho rằng, NSMO là DN duy nhất thực hiện nhiệm vụ điều độ hệ thống điện quốc gia, việc đảm bảo cho NSMO có đủ nguồn lực để hoạt động và vận hành liên tục là hết sức quan trọng.
Do vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN rà soát, tính toán và khẳng định mức vốn như đề xuất trong Đề án đã đảm bảo cho NSMO hoạt động và vận hành ổn định sau khi tách ra hoạt động độc lập.
Ngoài ra, bổ sung căn cứ, các nội dung, hạng mục tài sản hình thành vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của A0.
Rà soát, các chi phí hoạt động, vốn lưu động của A0, vốn lưu động, vốn đầu tư cho NSMO hoạt động ổn định đến hết năm 2023 (trong thời gian chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn sang Bộ Công Thương).
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 16/8, Bộ Tài chính cho rằng chưa có đủ căn cứ để có ý kiến tham gia cụ thể về vốn điều lệ vì “chỉ tiêu vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của DN không có chỉ tiêu vốn khấu hao cơ bản và hồ sơ kèm theo Đề án chưa có BCTC quý II/2023 của EVN, A0 và các tài liệu liên quan đến việc EVN cấp vốn khấu hao cơ bản cho A0”.
Cần bổ sung phương án về vốn cho NSMO
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm sau khi thành lập NSMO, báo cáo đánh giá Đề án chưa làm rõ mức vốn điều lệ như đề xuất có đủ để đáp ứng, thực hiện kế hoạch không. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung này.
Ngoài ra, Đề án cần bổ sung về hoàn thiện một số nội dung cơ bản, như: thuyết minh cho số liệu tổng chi phí cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; khả năng bố trí nguồn vốn.
Theo Đề án, các hạng mục dự án đầu tư của A0 đã được EVN phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên, chưa thuyết minh đầy đủ tiến độ thực hiện, đánh giá sự cần thiết, tác động các dự án này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của NSMO.
Để đảm bảo tính hoạt động ổn định, liên tục trong vận hành hệ thống điều độ điện trong dài hạn, báo cáo đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN rà soát 9 dự án đang triển khai của A0 để xây dựng phương án tiếp tục đầu tư và triển khai thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp bàn giao NSMO về Bộ Công Thương.
Đồng thời, có phương án bố trí vốn cho các dự án này trong tổng mức vốn điều lệ ban đầu của NSMO, đảm bảo các dự án này không bị ngắt quãng hoặc dừng thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án đảm bảo nguồn lực cho NSMO thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm để hoạt động ổn định.
Cơ chế tài chính cho NSMO theo 3 giai đoạn
Để NSMO có thể hoạt động liên tục và ổn định sau khi thành lập để chuyển giao về Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT nhận thấy cần phải có cơ chế tài chính cho NSMO theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: A0 từ khi tách khỏi EVN để thành lập NSMO đến hết năm 2023.
Giai đoạn 2: Từ 1/1/2024 đến khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực.
Giai đoạn 3: Sau khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực thi hành, đề nghị Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tài chính để đảm bảo NSMO sẽ có cơ chế để hoạt động.
Do vậy, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xác định rõ thời điểm hoàn thành xây dựng thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của A0.
Trên cơ sở đó, có căn cứ báo cáo Thủ tướng thời điểm hoàn thành tách A0 để thành lập NSMO.
“Việc tách A0 từ EVN để thành lập công ty TNHH một thành viên chỉ nên xem xét, quyết định khi có các cơ chế tài chính đảm bảo cho NSMO hoạt động và vận hành ổn định”, báo cáo thẩm định nêu rõ.
Ngoài ra, báo cáo thẩm định cũng đề nghị EVN hoàn thiện phương án sắp xếp, sử dụng lao động; đồng thời, tham khảo thêm ý kiến Bộ Tài chính về việc xử lý tài chính trong việc bàn giao vốn và tài sản. Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn phối hợp với Bộ Công Thương rà soát tiến độ nội dung sửa đổi các văn bản nêu trên và có lộ trình xây dựng văn bản phù hợp để đảm bảo khi hoàn thành việc tách A0 thì các văn bản pháp lý đồng thời có hiệu lực. Trên cơ sở đó xác định thời gian, lộ trình thực hiện việc tách A0 và hoàn thành việc thành lập NSMO, đảm bảo sớm nhất theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 263/TB-VPCP. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá thêm ưu, nhược điểm và hiệu quả trong việc lựa chọn mô hình Hội đồng thành viên hoặc mô hình Chủ tịch công ty đối với NSMO, trên cơ sở đó đề xuất mô hình phù hợp. |