Giống nhau như 2 chị em, lại có cùng niềm đam mê đặc biệt với môn tin học, Đỗ Hoàn Gia Trí và Trần Thị Phương Nhi đã cùng nhau sáng tạo một sản phẩm công nghệ với mong muốn đưa tin học đến gần hơn với mọi người.
Thầy gợi ý 1, trò sáng tạo thành 2,3
Trong cuộc thi sáng tạo trẻ Quảng Trị vừa qua, phần mềm tin học “Nền tảng phổ cập công nghệ LIWL” đã xuất sắc chinh phục ban giám khảo để đạt giải nhì cuộc thi. Đồng tác giả cho sản phẩm là Đỗ Hoàn Gia Trí và Trần Thị Phương Nhi, cùng lớp 11 chuyên tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị.
Gia Trí và Phương Nhi được biết đến với thành tích học tập xuất sắc và rất năng động trong các hoạt động phong trào của nhà trường. Nhận thấy ưu điểm vượt trội trong tư duy khoa học, khả năng sáng tạo của 2 nữ sinh, thầy Hoàng Văn Diệu, chủ nhiệm lớp 11 chuyên tin đã gợi mở cho 2 bạn một “chân trời mới”, khích lệ tham gia chương trình sáng tạo trẻ của tỉnh Quảng Trị.
“Ý tưởng ban đầu mà tôi gợi ý cho các em làm là 1 cuốn từ điển về thuật ngữ tin học. Lúc giao đề tài cho các em, tôi cảm nhận được rằng đây là đề tài hàn lâm khá khó khi ở độ tuổi còn rất nhỏ như các em. Nhưng với tư duy logic, cực kỳ thông minh và kỹ năng lập trình xuất sắc, cả 2 em đã tạo ra nền tảng phổ cập tin học rất thú vị và khiến tôi cảm thấy vừa bất ngờ, vừa tự hào”, thầy Diệu nói.
Phương Nhi cho biết dù ban đầu được thầy gợi ý như vậy, nhưng sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này, cả 2 quyết định mở rộng. Và đề tài nghiên cứu đã tạo thành một phần mềm tin học với mục tiêu đem những kiến thức cần thiết, thực tế nhất về công nghệ tin học đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Có lúc ôm nhau khóc vì bế tắc trong việc thực hiện đề tài
Nói về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu đề tài, Đỗ Hoàn Gia Trí cho biết đây là một đề tài rất khó, bắt buộc chúng em phải suy nghĩ về nó liên tục. Theo Trí, cần cù siêng năng thôi là chưa đủ, bởi trong thời gian thực hiện đề tài, cả 2 bạn đều phải liên tục cập nhật kiến thức mới về lập trình, tư duy nổi bật trong sáng tạo để có thể hoàn thành được sản phẩm.
“Em và bạn Nhi phải cân bằng giữa việc học tập ở trên lớp với việc nghiên cứu thực hiện đề tài. Trừ khoảng thời gian trên lớp học, còn lại chúng em đều dành hết tâm huyết cho đề tài nghiên cứu của mình. Có những đêm làm việc đến 1, 2 giờ sáng cũng không đưa ra được một lối đi mới, chúng em như bị mắc kẹt giữa chừng, không thể kết nối được tên miền, thiết kế sản phẩm thì trục trặc thiếu khoa học… Có khi làm không được 2 đứa còn ôm nhau khóc cả đêm vì ấm ức. Cũng may những lúc 2 đứa chán nản như thế luôn có gia đình, và đặc biệt là luôn có thầy Diệu động viên, khích lệ tinh thần”, Gia Trí chia sẻ.
Giải thích rõ hơn về “Nền tảng phổ cập công nghệ LIWL”, Phương Nhi cho biết đây được xem như là một phần mềm đem đến kiến thức công nghệ và đặc biệt là tin học cho mọi người. Nền tảng tổng hợp những thông tin kiến thức cơ bản về công nghệ và các tính năng như: diễn đàn trao đổi (được xây dựng một trang mạng xã hội – xu hướng của giới trẻ), chatbot, tư vấn trực tiếp, phần ôn tập kiến thức tin học. Đặc biệt hơn, phần mềm này còn giới thiệu đến mọi người về các nền tảng tự học code, tự tạo ra website. Nhờ những nền tảng kiến thức cơ bản này, các bạn trẻ có thể tạo cho mình những kiến thức cần thiết, từ đó ứng dụng tốt trong chính đời sống, học tập của mình cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có ích hơn, mang ý nghĩa cộng đồng.
Nhi cũng cho biết tin học là môn học tự chọn, chưa phải là môn bắt buộc trong chương trình ở bậc THPT, nhưng với nhịp sống hiện đại và công nghệ chuyển đổi số toàn cầu như ngày nay, kiến thức tin học cơ bản chính là hành trang không thể thiếu trong cuộc sống giới trẻ.
“Chúng em muốn giúp mọi người phổ cập kiến thức tin học từ cơ bản đến nâng cao, nhằm phát triển cộng đồng công nghệ cũng như giúp các bạn học sinh có thể tiếp xúc với tin học đơn giản hơn bao giờ hết”, Nhi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Gia Trí cho biết: “Sản phẩm “Nền tảng phổ cập công nghệ LIWL” là bước đi đầu tiên của chúng em trên con đường nghiên cứu. Trong tương lai, chúng em sẽ luôn giữ trong mình những hoài bão để có thể tạo ra được nhiều hơn nữa những sản phẩm giúp ích cho những người xung quanh. Và cũng chính quá trình học hỏi, nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm đã đem đến cho bản thân không ít kinh nghiệm cũng như kiến thức bổ ích, từ đó sẽ trở thành động lực để chúng em phát triển ngày một tốt hơn nữa”.
Thanhnien.vn