Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia là những nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Nhưng nếu tính tỷ lệ đầu tư cho quân sự trên tổng ngân sách, thì Ukraine mới là nước dẫn đầu – đã chi gần 60% ngân sách cho quốc phòng trong năm 2023.
Bạo tay ‘vung tiền’ cho quân sự, ngân quỹ Ukraine bay hơn một nửa, ai sẽ thanh toán hóa đơn? (Nguồn: Reuters) |
Tính từ tháng 1 đến 7/2023, tổng chi của ngân sách nhà nước cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng Ukraine là 969,2 tỷ Hryvnia (26,2 tỷ USD), tương đương 59,1% tổng ngân sách. Riêng tháng 7/2023, Kiev đã chi 150,2 tỷ Hryvnia, theo số liệu do Bộ Tài chính nước này đăng trên Facebook.
Bộ Tài chính Ukraine lưu ý, ngân quỹ được dùng để hỗ trợ tài chính cho quân nhân, sĩ quan cảnh sát, mua thiết bị quân sự. Đặc biệt, phần lớn được chi tiêu cho vũ khí, đạn dược, sản phẩm quốc phòng, thiết bị bảo vệ cá nhân, nhiên liệu, thực phẩm, chăm sóc y tế và các loại khác kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Tổng chi tiêu ngân sách nhà nước Ukraine từ tháng 1 đến tháng 7/2023 là 1,64 nghìn tỷ Hryvnia.
Trước đó, tại Hội nghị Các nhà ngoại giao Ukraine năm 2023 vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng nước này Denys Shmyhal cho biết, việc trang trải kinh phí cho các lực lượng vũ trang và các khoản khác trong cuộc xung đột với Nga, đã tiêu tốn của Kiev khoảng 2 nghìn tỷ Hryvnia (tương đương 54 tỷ USD). Con số này bằng số thu ngân sách của Ukraine trong thời bình.
Hiện tại, để để nuôi ngân sách, Ukraine đang “cậy nhờ” phần nhiều vào hỗ trợ tài chính từ các đối tác, cũng như các khoản tài trợ và khoản vay. “Chúng tôi đã mất khoảng 30% nền kinh tế và các doanh nghiệp. Chúng tôi mất 3,5 triệu việc làm. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, chúng tôi đã mất 29,5% GDP. Con số này thấp hơn dự kiến. Các doanh nghiệp đã thích nghi và tiếp tục thích nghi. Năm nay, chúng tôi mong đợi một sự tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái”, Thủ tướng Shmyhal nói thêm.
Ông cũng tiết lộ rằng, dự trữ vàng và ngoại hối của Ukraine tăng lên mức cao chưa từng có. “Ngân hàng quốc gia hiện có 39 tỷ USD (dự trữ ngoại hối). Năm nay, chúng tôi đã giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn 12,8%, tính theo hàng năm”, Thủ tướng Shmyhal nói.
Cụ thể hơn, Thủ tướng Shmyhal cho biết, trong nửa đầu năm 2023, ngân sách nhà nước của Ukraine đã thu được hơn 600 tỷ Hryvnia, trong khi quân đội đã được chi 672 tỷ Hryvnia (24,9 tỷ USD).
Giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao của mình tại Hội nghị Các nhà ngoại giao Ukraine nói trên, ông Shmyhal cho biết, “năm 2023, nhiệm vụ của chúng ta là thu hút 45,8 tỷ USD cho tài trợ ngân sách và 14 tỷ USD nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi nhanh chóng”.
Trong đó, theo Thủ tướng Shmyhal, Kiev hiện đã thu hút được 28 tỷ USD trong năm nay. Các đối tác của họ sẽ tiếp tục tài trợ và gửi tiếp viện khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc, mức độ hỗ trợ từ nước ngoài sẽ giảm đi đáng kể. “Chúng ta hầu như sẽ bị bỏ lại một mình với các vấn đề của mình. Hỗ trợ sẽ thấp hơn nhiều. Điều này cần được tính đến và nỗ lực tối đa ngay từ hôm nay”, ông Shmyhal tiết lộ.
Vì vậy, Thủ tướng Shmyhal kêu gọi các đại sứ tích cực làm việc để thu hút sự chú ý của thế giới đến Ukraine, để không làm giảm mức độ quan tâm. Ông nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao hiện nay rất đa diện và đa chức năng, vì họ phải giải quyết mọi việc, kể cả vũ khí, thuốc men và các vấn đề nhân đạo. “Đối với tôi, mặt trận ngoại giao không kém phần quan trọng so với các mặt trận khác. Mỗi đại sứ là người “canh gác” trên một mặt trận ngoại giao”, ông Shmyhal nói.
Về tình hình viện trợ Ukraine, năm 2022, Mỹ là quốc gia đóng góp vốn nước ngoài lớn nhất cho nền kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, mới đây, kết quả cuộc thăm dò ý kiến Giải pháp Nghiên cứu Khoa học xã hội (SSRS) do CNN ủy quyền cho thấy, chỉ 45% số người được hỏi cho rằng Quốc hội Mỹ nên cho phép tài trợ thêm cho Ukraine; trong khi 55% lập luận rằng, Kiev đã nhận đủ viện trợ. Quốc hội Mỹ không nên tiếp tục ủy quyền viện trợ bổ sung để hỗ trợ Ukraine thêm nữa.
Về phía châu Âu, hỗ trợ tích lũy của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine đã đạt 20 tỷ Euro kể từ tháng 2/2022, theo thông tin từ đại diện của Cơ quan Đối ngoại EU Peter Stano. Trong đó, Đức chiếm vị trí hàng đầu trong số các nước châu Âu, tiếp theo là Ba Lan, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển – những nước có chi tiêu quân sự cho Ukraine lên tới hơn 1 tỷ Euro.
Hồi tháng trước, vào ngày 20/7, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tiếp tục tuyên bố một đề xuất tạo ra một cơ chế đặc biệt để thanh toán vũ khí, đạn dược và viện trợ quân sự Ukraine, với số tiền 5 tỷ Euro mỗi năm, cho đến năm 2027. Cơ chế này dự kiến sẽ bổ sung gói viện trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Euro cho Ukraine do Ủy ban châu Âu đề xuất, cũng trong 4 năm, để lấp đầy khoản mà Bỉ đã kêu gọi các nước EU đóng góp bổ sung cho ngân sách cộng đồng.
Ủy ban châu Âu cũng đang lên kế hoạch cho các chương trình hỗ trợ tiếp theo cho Kiev trong 4 năm, từ 2024 đến 2027, do giai đoạn lập kế hoạch ngân sách hiện tại của EU kết thúc vào năm 2027.
Trước các thông tin trên, bày tỏ quan ngại về khoản tài trợ 20 tỷ Euro trong 4 năm nói trên, quan chức ngoại giao hàng đầu Hungary nói đó là một đề xuất “thật sự gây sốc”, đồng thời lên tiếng cảnh báo điều này có thể sẽ chỉ làm kéo dài tình trạng xung đột quân sự ở Ukraine.
“Tóm lại, tôi có thể chia sẻ rằng, họ không thực sự muốn nói về hòa bình. EU nói gì? Đó sẽ là vùng xung đột quân sự ở Ukraine trong 4 năm”, Bộ trưởng Ngoại giao và kinh tế đối ngoại Hungary Szijjarto Peter bình luận.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, “anh cả” Đức thông báo dự kiến viện trợ tài chính cho Kiev khoảng 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) mỗi năm. Trong một thông báo vừa đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Kiev tới khi nào còn cần thiết.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, dù châu Âu đã có những đồng thuận bước đầu về việc tăng cường tài trợ quân sự cho Ukraine, song việc các quốc gia thành viên sẽ biến những mục tiêu này trở thành hiện thực như thế nào lại là bài toán không hề dễ giải. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc kế hoạch chung của EU sẽ gặp khó khăn do sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên quan đến nguồn tài chính và kế hoạch chi trả.
Trong bối cảnh hiện tại, chính phủ nhiều nước EU tuy đã tránh được suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, nhưng giờ đây, mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới đang bao trùm khu vực. Tình hình kinh tế không tươi sáng, liệu các quốc gia EU có thể dung hòa những lợi ích riêng và đồng thuận chung hay không, khi sức ép từ phía Ukraine liên tục dội về, trong khi áp lực từ trong nước ít nhiều tăng lên?